Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ khó giải phóng mặt bằng và nguồn vốn đầu tư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/8, đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có buổi kiểm tra và...

Kinhtedothi - Ngày 6/8, đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có buổi kiểm tra và làm việc với Bộ KH&CN nhằm tháo gỡ những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc.

Hai vướng mắc cần tháo gỡ

Theo Bộ KH&CN, Khu CNC Hòa Lạc là một trong 3 dự án khu CNC trọng điểm của cả nước. Mặc dù được phê duyệt từ năm 1998 nhưng đến nay sau gần 15 năm, dự án vẫn "loay hoay" trước nhiều khó khăn, nổi cộm là khâu GPMB và nguồn vốn phục vụ tái định cư (TĐC), xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng. Ông Phạm Đại Dương - Trưởng Ban QLDA Khu CNC Hòa Lạc cho biết, hiện đã GPMB xong 911/1.586ha diện tích đất dự án; tuy nhiên trong đó chỉ có 665ha là "đất sạch", còn lại là "chưa sạch" (tức phần đất người dân đã nhận tiền đền bù, sẵn sàng chuyển đi nhưng lại chưa có khu tái định cư nên chưa thể di dời. Việc dự án bị chậm tiến độ tới nay đã 15 năm khiến mức giá đền bù tăng chóng mặt. Theo ông Dương, hiện dự án thiếu khoảng 6.000 tỷ đồng để GPMB cho khoảng 500ha còn lại. Và nếu không đẩy nhanh công tác GPMB, dự án sẽ đứng trước nguy cơ phải bồi thường cho nhà đầu tư vì chậm tiến độ.

Về vốn phục vụ TĐC và phát triển cơ sở hạ tầng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ KH&ĐT bố trí khoảng 2.300 tỷ đồng cho dự án, nhưng trong cuộc gặp mới đây nhất, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng thừa nhận: Đang rất khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn!

Theo Ban QLDA Khu CNC Hòa Lạc, bên cạnh ngân sách Nhà nước, dự án hiện đang rất trông chờ vào 400 triệu USD nguồn vốn đầu tư ODA của Chính phủ Nhật Bản (phục vụ xây dựng hạ tầng) và dự án Đại học Việt - Pháp trị giá 200 triệu USD do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Lẽ ra cuối 2012, Ban QLDA phải bàn giao mặt bằng nhưng thời điểm này vẫn chưa có mặt bằng sạch cho các bên đối tác.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh - Trưởng Ban GPMB Dự án Khu CNC Hòa Lạc cho biết, việc thực hiện quy định của pháp luật và Nghị định Chính phủ khi đi vào thực tế còn nhiều điểm chồng chéo và chưa phù hợp với thực tiễn; chính sách đền bù thay đổi qua từng năm; tính không "đồng nhất" giữa diện tích đất đã được GPMB và quy hoạch chung; hay vấn đề TP tiếp nhận kinh phí không đồng bộ cả về số lượng và thời điểm… là những nguyên nhân khiến dự án bị kéo dài.

Sau khi nghe ý kiến của bộ, ngành, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá cao những nỗ lực của Ban QLDA  Khu CNC Hòa Lạc trong thời gian qua, tuy nhiên cũng nhấn mạnh: "cái được" còn khá hạn chế và còn rất nhiều việc phải làm. Bí thư Thành ủy khẳng định sẽ cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề ủy quyền cho Ban QLDA trong công tác quy hoạch, phân khu, cấp phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường… Tuy nhiên, việc phân cấp sẽ đi cùng với trách nhiệm cao hơn, nặng nề hơn. Vì vậy, Ban QLDA cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa ra các đề xuất. Bí thư Thành ủy yêu cầu các sở, ngành chức năng của TP tạo điều kiện, giúp đỡ Ban QLDA trong việc thu hút nhà đầu tư; Giao Sở KH&ĐT trực tiếp hỗ trợ Ban QLDA đẩy mạnh công tác xúc tiến, xây dựng chính sách ưu đãi, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các đơn vị đầu tư sản xuất tại Khu CNC Hòa Lạc. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN để đẩy mạnh tiến độ GPMB.

 
Gỡ khó giải phóng mặt bằng và nguồn vốn đầu tư - Ảnh 1
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu tại buổi làm việc với Bộ VHTT&DL chiều 6/8. Ảnh: Kim Toàn

Văn hóa là nền tảng và động lực để phát triển

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh dẫn đầu đoàn công tác của Bộ có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội, đánh giá kết quả công tác phối hợp giữa hai cơ quan về lĩnh vực văn hóa trên địa bàn Thủ đô những tháng đầu năm, định hướng nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2013 và thời gian tới. Dự buổi làm việc có Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cùng lãnh đạo chủ chốt các ngành chức năng thuộc Bộ và các sở, ban ngành TP.

Báo cáo kết quả hoạt động VHTT&DL trong 7 tháng qua, các chỉ tiêu, kế hoạch thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội đều đạt chất lượng đáng ghi nhận. Đại diện các ngành chức năng của Bộ VHTT&DL đều khẳng định, TP Hà Nội tiếp tục phát triển, vẫn giữ bản sắc riêng và tiêu biểu nếp sống văn hóa, văn minh. Trong lĩnh vực du lịch, Hà Nội đã xây dựng được cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực dồi dào và năm 2013, được tổ chức quốc tế bình chọn là TP hấp dẫn nhất cả nước, nằm trong những tốp đầu Thủ đô trong khu vực… Từ đầu năm đến nay, TP đón trên 9 triệu lượt khách du lịch, tăng 9% so cùng kỳ năm 2012, trong đó có trên 1,18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 15% so cùng kỳ. Ngoài ra, Hà Nội cũng đang tích cực chuẩn bị nguồn lực tham gia các sự kiện thể thao quốc tế như: Đại hội thể thao toàn quốc 2014, ASIAD 17, Olympic (2016) và ASIAD 18 năm 2019 tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, TP đã đề nghị Bộ VHTT&DL kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam sớm bàn giao, nhất thể hóa Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho Hà Nội quản lý, để thực hiện cam kết của Chính phủ với UNESCO; có cơ chế hỗ trợ để quản lý, phát huy các di sản được thế giới công nhận, như Hát ca Trù, Hội Gióng (đền Phù Đổng, đền Sóc)…

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, trong tiến trình phát triển, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò quan trọng của nền kinh tế đất nước, nhưng TP vẫn xác định, ưu tiên hàng đầu phát triển sự nghiệp văn hóa và coi phát triển văn hóa là nền tảng và là động lực để phát triển kinh tế. Trên tinh thần đó, thời gian qua, TP luôn quan tâm, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các thiết chế văn hóa, nhằm không chỉ phục vụ riêng Thủ đô mà cho cả nước để tổ chức các sự kiện văn hóa, hoạt động thể dục thể thao lớn của đất nước và quy mô quốc tế, khu vực. Đồng chí khẳng định, Bộ VHTT&DL và TP Hà Nội đã phối hợp tích cực trong công tác và đạt hiệu quả, đồng thời, mong muốn Bộ và TP tiếp tục cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của Thủ đô để huy động và thu hút các nguồn lực, tập trung phát triển mọi mặt, các lĩnh vực.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao những thành tích mà Hà Nội đã đạt được và cho rằng, Hà Nội vẫn là địa phương đi đầu, thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, nhất là trong việc cưới, theo nếp sống mới, tiết kiệm, lành mạnh; việc tang lễ cơ bản loại bỏ các hủ tục, nhiều nơi, xu hướng hỏa táng tăng… là cách làm hay cần được nhân rộng. Đồng chí ghi nhận và ủng hộ những kiến nghị của TP và giao các cơ quan chức năng của Bộ để cùng TP tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, thời gian qua, Bộ VHTT&DL đã tích cực phối hợp với TP sẻ chia khó khăn, cùng tháo gỡ những vướng mắc đạt hiệu quả cao. Đồng thời, đề nghị Bộ sớm thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức để chuẩn bị ASIAD 18 năm 2019 tại Việt Nam để TP Hà Nội cùng tham gia thực hiện sự kiện thể thao lớn này.