Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ nút thắt cho xuất khẩu nông sản

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 diễn ra thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này được nhận định là sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Chế biến dứa xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Huy Hùng
Thị trường xuất khẩu dần hồi phục
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, hiện Trung Quốc đang kiểm soát khá tốt dịch Covid-19 và hiện quốc gia tỷ dân này đang có nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng nông sản để bù đắp thiếu hụt thị trường do sản xuất bị ngưng trệ.
Thậm chí, để thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa, nông sản đáp ứng nhu cầu của người dân, Trung Quốc đang đẩy mạnh khôi phục vận hành hệ thống giao thông, hoạt động logistic và chuyển phát nhanh nhằm giải phóng sức tiêu thụ trong nước. Ngoài các biện pháp cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, Trung Quốc cũng giảm thuế 80 mặt hàng thực phẩm để thúc đẩy nhập khẩu.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho rằng, việc thị trường Trung Quốc hồi phục sẽ là cơ hội cho việc tiêu thụ hàng hóa, nông sản của Việt Nam.
Cùng với thị trường Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu nông sản của nhiều quốc gia khác cũng được dự báo sẽ hồi phục, dù tốc độ sẽ chậm hơn. Cụ thể, thị trường EU và Mỹ có thể mất khoảng 3 tháng nữa để có thể khống chế dịch. 
Đồng bộ các giải pháp 
Để đạt mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD theo kế hoạch năm 2020, Bộ NN&PTNT cho biết, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm sang thị trường Trung Quốc phải đạt 10%. Ngoài ra, các thị trường khác cũng phải tăng 9% để bù đắp sự sụt giảm của Mỹ, EU. Đây là vấn đề không đơn giản.
Theo một số DN xuất khẩu, thị trường tắc nghẽn trong quý I/2020 đã tác động vào dòng tiền có khả năng thanh toán. Hoạt động kinh doanh đứt đoạn, lợi nhuận suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh khiến áp lực phí, thuế tăng cao. Do đó, các DN xuất khẩu nông sản mong muốn được hỗ trợ tín dụng để tăng tốc sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, nhất là sang thị trường Trung Quốc.
Trước diễn biến trên, Bộ NN&PTNT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai mạnh mẽ, hiệu quả gói tín dụng đối phó Covid-19. Trong đó, có thiết kế chính sách hỗ trợ riêng cho các DN, hợp tác xã, người nông dân. Bên cạnh đó, thực hiện cơ cấu lại nợ (khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay), và tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi để các thành phần kinh tế phục hồi sản xuất.
Liên quan đến thị trường rất lớn là Trung Quốc, vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã làm việc trực tiếp với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. Hai bên bước đầu tìm được “tiếng nói chung” ở một số khía cạnh xuất khẩu. Mặc dù vậy, để tạo thuận lợi cho thông quan, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại, tạo thuận lợi cho thủ tục hải quan, không để ứ đọng hàng hóa, nông sản tại vùng biên; kiến nghị Bộ Công Thương có cơ chế giá điện ưu đãi áp dụng cho vận hành kho lạnh. Đồng thời, Bộ GTVT, Bộ Tài chính có chính sách hỗ trợ phí, cước vận chuyển hàng không và đường biển đối với các thị trường trọng điểm (Mỹ, châu Âu, Trung Đông...), nhằm tăng năng lực cạnh tranh và giảm chi phí giá thành cho DN xuất khẩu.
Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản sau dịch Covid-19, Việt Nam cần tiếp tục hướng vào thị trường tầm trung và phân khúc thấp của Trung Quốc nhằm thích ứng phát triển. Vì dù ở góc độ nào thì quốc gia tỷ dân này vẫn là thị trường rất lớn, một tác nhân quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy