Đó là thông tin tại Hội thảo ứng dụng công nghệ AI trong nâng cao năng suất nông nghiệp do Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tổ chức ngày 23/3.
Nhiều giải pháp tối ưu
Theo Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam Hồ Xuân Hùng, trên thế giới, khái niệm trí tuệ nhân tạo (AI) đã có từ những năm 1956. Việt Nam mới tiếp cận về khái niệm này. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để AI sớm vào cuộc sống?
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn, từ đó tham mưu để cơ quan quản lý có thẩm quyền xây dựng các chính sách phù hợp; Kết nối và thu hút các nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà nông nhằm góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng AI trong nông nghiệp.
“Việc này góp phần cải tiến thông minh hóa, tự động hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo quy trình sản xuất, xuất xứ minh bạch, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng” - vị này nhấn mạnh.
Với giải pháp ánh sáng và điều khiển ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thông minh (smart Farm) của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông giúp kiểm soát ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tưới tiêu, dinh dưỡng… từ đó, tối ưu môi trường cho sinh trưởng, tăng năng suất cây trồng, thậm chí có thể trồng các sản phẩm trái vụ, tăng giá trị thị trường. Việc đó cũng khắc phục được những nhược điểm như phụ thuộc vào khí hậu tự nhiên; chỉ trồng được cây theo mùa vụ, giá trị kinh tế thấp, năng suất thấp,…
Đại diện Công ty Netafim Việt Nam Vũ Kiên Trung cho biết, với việc ứng dụng Hệ thống quản lý điều khiển nông trại quy mô lớn bằng trí tuệ nhân tạo cho tái canh cà phê của doanh nghiệp, đã giúp nông dân trồng cà phê thu được năng suất 5 tấn/ha ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên, tăng 300% so với năng suất vụ đầu tiên theo phương pháp tái canh truyền thống.
Mô hình góp phần giảm chi phí cho cà phê tái canh, nâng cao lợi nhuận sản xuất, thông qua việc không cần xử lý đất bằng cách trồng cây khác trong 2 - 3 năm đầu sau khi bỏ vườn cà phê cũ bằng giải pháp kết hợp đồng bộ giữa dinh dưỡng, thuốc bảo vệ thực vật qua nước tưới để ngăn ngừa bệnh hại và phục hồi đất. Giảm chi phí đầu vào cho mỗi cân hạt cà phê, cũng như có giải pháp xen canh tốt hơn.
Cần chuyển đổi nhận thức
Có thể thấy, những loại thiết bị máy móc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần phổ biến trong thời đại công nghệ phát triển. Những loại máy này được sáng tạo và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống, trong đó có cả sản xuất nông nghiệp.
AI giúp năng suất cây trồng được tăng lên, cây trồng khỏe mạnh hơn, kiểm soát sâu bệnh và các điều kiện trồng trọt; tổ chức dữ liệu cho nông dân, giúp giải quyết khối lượng công việc và cải thiện một loạt các nhiệm vụ liên quan đến nông nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm.
Mặt khác, việc sử dụng AI còn giúp giảm đáng kể việc sử dụng các hóa chất ảnh hưởng đến môi trường. Những tiến bộ trong chế tạo robot điều khiển bằng AI cũng đang giúp nhà nông trong việc tăng gia sản xuất sử dụng ít đất và ít nhân công hơn.
Dù hiệu quả mang lại từ AI đối với ngành nông nghiệp là rất lớn, tuy nhiên, lĩnh vực này tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ và đang rất thu hút được sự quan tâm của Chính phủ, cũng như của các doanh nghiệp sản xuất vì những ưu thế mà nó mang lại so với nông nghiệp truyền thống.
Về một số ứng dụng của AI trong nông nghiệp tại Việt Nam, TS Trần Quý – Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam chia sẻ, AI giúp dự báo thời tiết và mô hình hóa tài nguyên nước; theo dõi sức khỏe cây trồng và phát hiện bệnh tật; ứng dụng robot tự động hóa trong quá trình sản xuất nông nghiệp; tăng cường hiệu quả sản xuất bằng cách tối ưu hóa phân bón và thuốc trừ sâu; tăng cường quản lý đàn gia súc và giảm thiểu tác động đến môi trường…
Song, việc đẩy mạnh ứng dụng AI vào trong ngành nông nghiệp vẫn đang đối diện với nhiều thách thức. Cụ thể, giá cả phần cứng và phần mềm cho các hệ thống AI đang rất cao, bên cạnh đó là trình độ, nhận thức của người nông dân.
Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản chỉ ra những nút thắt trong chuyển đổi số nông nghiệp, cũng như ứng dụng AI trong nông nghiệp nói riêng, đó là nhận thức, thể chế chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, ứng dụng số chưa toàn diện; chưa xây dựng được kiến thức dữ liệu ngành nông nghiệp; chưa xây dựng dược cơ sở dữ liệu lớn về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, vùng nuôi, dữ liệu chuỗi ngành hàng; hạ tầng thiết bị cũ, thiếu đồng bộ, phân tán; phần mềm phục vụ chỉ đạo điều hành chưa có liên kết chia sẻ dữ liệu; nguồn lực đầu tư manh mún.
“Cần chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số, nền tảng số; củng cố an ninh mạng; nghiên cứu hợp tác đào tạo và chuyển giao công nghệ” - ông Nguyễn Quốc Toản đề xuất. Đồng thời cho rằng, nếu không có thể chế đi trước thì mọi ứng dụng không có tính chất bắt buộc sẽ không đi vào cuộc sống. Mặt khác, nhận thức ở nhiều nơi về vấn đề này vẫn còn rất hạn chế.
Trong khi đó, TS Trần Quý cho rằng, để tận dụng tối đa tiềm năng của AI trong nông nghiệp cần có sự đầu tư và nghiên cứu đáng kể, cùng với sự đào tạo cho nông dân về việc sử dụng các công nghệ mới. Ngoài ra, cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm các nhà sản xuất công nghệ, Chính phủ, các tổ chức nông nghiệp để phát triển các ứng dụng AI thích hợp và phù hợp với điều kiện của người nông dân cùng nhu cầu của thị trường.