Gỡ “nút thắt” tăng trưởng tín dụng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ cuối năm 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm mạnh lãi suất cho vay qua đó góp phần giúp giảm lạm phát từ mức 18,13% năm 2011 xuống chỉ còn 6,8% cuối năm 2012 và duy trì ở mức ổn định từ 6 - 7% trong một năm qua.

Hiệu quả dòng vốn được nâng cao

Thị trường tiền tệ sau khi biến động đầy rủi ro từ cuối năm 2011, nhờ chính sách điều hành tiền tệ hợp lý đã dần ổn định và cải thiện trở lại, nguy cơ đổ vỡ hệ thống được đẩy lùi, không còn hiện tượng cạnh tranh lãi suất gây xáo trộn thị trường như trước, cùng với đó lãi suất cho vay cũng giảm mạnh. 

Nếu như những năm trước, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng có thời điểm lên tới 30%/năm, nhưng hiện nay, mức lãi suất này đã giảm mạnh, kỳ hạn phổ biến khoảng 3,5 - 4%/năm; kỳ hạn 1 tuần từ 4 - 4,6%/năm… Mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh. Chỉ trong vòng 2 năm, lãi suất cho vay đã giảm từ mức 20 - 25%, về bằng mức lãi suất trong giai đoạn 2005 - 2006. Hiện, lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7 - 9%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9 - 11,5%/năm, trong đó các khách hàng tốt lãi suất chỉ còn 6,5 - 7%/năm.

 
Thị trường tiền tệ đã dần ổn định. Trong ảnh: Hoạt động tại một chi nhánh của VPbank Hà Nội. Ảnh: Việt Linh
Thị trường tiền tệ đã dần ổn định. Trong ảnh: Hoạt động tại một chi nhánh của VPbank Hà Nội. Ảnh: Việt Linh
Mặt bằng lãi suất huy động cũng không có biến động mạnh, hầu như không còn tình trạng vượt trần lãi suất. Đáng chú ý, từ cuối tháng 6/2013, NHNN cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) thỏa thuận đối với lãi suất huy động VND kỳ hạn từ 6 tháng trở lên nhưng mặt bằng lãi suất vẫn ổn định và không có sự xáo trộn.

Tăng trưởng tín dụng có xu hướng chậm so với các năm trước nhưng hiệu quả của dòng vốn tín dụng đã được nâng cao. Năm 2011, tín dụng tăng 14,4%, năm 2012 tăng 8,85% và 8 tháng đầu năm tăng 6,45% so với cuối năm 2012; thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 36%/năm từ năm 2007 - 2010. Tín dụng đã tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Không chỉ trách nhiệm riêng ngành ngân hàng

Mặc dù NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, từ đầu năm 2013 đến nay, vốn khả dụng của hệ thống các TCTD luôn dư thừa, cung tiền sẵn sàng, lãi suất giảm mạnh nhưng tín dụng vẫn tăng thấp.

Nguyên nhân của việc tăng trưởng tín dụng từ năm 2012 đến nay còn thấp do sức hấp thụ của nền kinh tế còn thấp khi tổng cầu vẫn yếu, các DN không có đầu ra, lượng hàng tồn kho tăng cao. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận vốn của DN vẫn còn hạn chế, nhiều DN có nhu cầu vay vốn nhưng tình hình tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi của dự án, báo cáo tài chính của DN không rõ ràng, minh bạch; hầu hết các tài sản đều đã được thế chấp… Cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa được vay vốn ngân hàng tuy đã có nhưng chưa triển khai được nhiều. Bên cạnh đó, các TCTD cũng thận trọng hơn trong cho vay, nhất là trong điều kiện DN còn khó khăn, nợ xấu tăng cao. Các TCTD đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo.

Thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian qua cho thấy, mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng trong điều kiện thị trường tài chính chưa phát triển, dẫn đến việc DN lệ thuộc quá nhiều vào tín dụng. Chính vì vậy, khi chính sách tín dụng thắt chặt dẫn đến DN gặp nhiều khó khăn. Mô hình tăng trưởng dựa trên vốn trong những năm trước đây cũng là nguyên nhân khiến tín dụng thường xuyên tăng ở mức cao, ở những lĩnh vực đặc biệt rủi ro như bất động sản khiến nợ xấu dần dần tích tụ. Khi chu kỳ kinh tế chuyển sang thời kỳ suy giảm là thời điểm nợ xấu bộc lộ, cản trở sự lưu thông vốn trong nền kinh tế. Các yếu kém tích tụ cũng được thể hiện ở sự bất cập, chồng chéo trong khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo, cũng như sự thiếu minh bạch, đầy đủ về thông tin tạo ra các "nút thắt" làm tắc nghẽn dòng tín dụng. Điều này cho thấy, muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành ngân hàng mà phải có sự phối hợp của các bộ, ngành nhằm giải quyết những yếu kém căn bản, nâng cao nội lực của nền kinh tế, tháo gỡ các "nút thắt" để dòng tín dụng có thể lưu thông hiệu quả đến từng ngành, lĩnh vực và các thành phần kinh tế.