Gỡ nút thắt trong xử lý nợ xấu

Bảo Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tháo gỡ nhiều nút thắt, nhất là việc các tổ chức tín dụng không có đủ khả năng thanh lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 42 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Nghị quyết số 42 của Quốc hội vừa ban hành được kỳ vọng sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thêm cơ chế xử lý nợ xấu. Ảnh: Chiến Công

Theo đó, Nghị quyết quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD. Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan... Nợ xấu quy định tại Nghị quyết này bao gồm: Khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15/8/2017; Khoản nợ được hình thành trước ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.

Nghị quyết khẳng định không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng áp dụng nhiều chính sách mới (so với pháp luật hiện hành) về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…, như: Quốc hội cho phép tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định cụ thể tại Nghị quyết. Cùng với đó, Nghị quyết cũng quy định mua bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai…

Nghị quyết này được coi là giải pháp trung hạn của Chính phủ, kỳ vọng sẽ tháo gỡ những nút thắt về xử lý nợ xấu, tạo cơ sở để giảm lãi suất, giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết, cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan khác, không chỉ là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính mà cả sự giám sát của các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước có vai trò quan trọng trong thực hiện cũng như bảo đảm giữ đúng tinh thần của Nghị quyết. Trong đó, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra quá trình báo cáo nợ xấu của TCTD, bảo đảm có số liệu chính xác nhất. Hướng dẫn cụ thể các TCTD trong quá trình hạch toán kinh phí thu từ bán tài sản bảo đảm, bán nợ xấu dưới giá trị sổ sách… để bảo đảm đúng quy định pháp luật.