Gỡ nút thắt trong xử lý rác thải

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thời gian dài chờ đợi, Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý thuộc Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) đã chính thức vận hành, hòa lưới điện quốc gia vào ngày 25/7,với công suất phát điện đốt rác là 15 MW ở giai đoạn 1.

Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả xử lý rác thải trên địa bàn Thủ đô.
Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả xử lý rác thải trên địa bàn Thủ đô.

Theo các chuyên gia, đây là sự kiện quan trọng khẳng định những nỗ lực, quyết tâm của TP Hà Nội trong việc thay đổi phương pháp xử lý rác thải, đồng thời gỡ những nút thắt đã tồn tại hàng chục năm qua.

Rác đã thành tài nguyên

Trong suốt thời gian qua, phần lớn lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP được xử lý theo phương thức chôn lấp lạc hậu, mất vệ sinh môi trường (VSMT), lãng phí tài nguyên, tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến sức khỏe, cuộc sống của người dân xung quanh các bãi rác… Do đó, việc Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý – nhà máy lớn thứ 2 thế giới chính thức vận hành, hòa lưới điện quốc gia không chỉ giải quyết được những hệ lụy đang tồn tại mà còn góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, hiện thực hóa mục tiêu biến rác thành tài nguyên.

Tổng Giám đốc Phát triển thị trường tại Đông Nam Á, Công ty CP Môi trường năng lượng Thiên Ý – đơn vị vận hành nhà máy Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết, Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý sẽ hoạt động theo 3 giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ có 1 lò đốt (lò đốt số 3) và 1 tổ máy vận hành, khoảng 1.000 tấn rác tươi được nhà máy tiếp nhận mỗi ngày, công suất phát điện là 15MW. Giai đoạn 2, lò đốt số 2, số 4 sẽ vận hành với công suất 800 tấn/lò/ngày, rác tiếp nhận của nhà máy tổng 3.000 tấn/ngày, công suất phát điện của 2 tổ máy là 45MW.

Giai đoạn 3, lò đốt số 1, số 5 sẽ tiếp nhận rác với công suất 800 tấn/lò/ngày, công suất xử lý rác 4.000 tấn/ngày, rác tiếp nhận của nhà máy 5.000 tấn/ngày, tổng công suất phát điện là 75MW. Đặc biệt, sau khi nhà máy hoạt động cả 3 giai đoạn, dự kiến, khoảng 20MW điện sinh ra từ quá trình đốt rác sẽ phục vụ hoạt động của nhà máy và hơn 50 MW sẽ hòa vào điện lưới quốc gia.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, công nghệ chôn lấp vệ sinh được sử dụng rộng rãi, thao tác quản lý vận hành đơn giản nhưng chiếm diện tích sử dụng đất lớn. Ngoài ra, trong quá trình chôn lấp chất thải rắn sản sinh lượng lớn nước rỉ rác, khí gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Do đó, việc thay thế phương pháp này bằng các phương pháp hiện đại, khai thác tối đa nguồn tài nguyên vô tận là rác thải phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết.

Sự cần thiết đó càng trở nên cấp bách hơn khi 2 bãi rác lớn nhất của Thủ đô là Nam Sơn và Xuân Sơn sau hàng chục năm vận hành đã và đang rơi vào tình trạng quá tải, thường xuyên phải đối mặt với việc phải dừng hoạt động do hết chỗ lưu chứa nước rỉ rác, khu vực chôn lấp và đường dẫn vào khu vực chôn lấp xuống cấp nghiêm trọng.

Quang cảnh Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý. Ảnh: Nhật Minh  
Quang cảnh Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý. Ảnh: Nhật Minh  

Cần thêm những Thiên Ý mới

Theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, sở dĩ dự án Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý nhận được sự quan tâm của dư luận, người làm môi trường là quy mô (lớn thứ 2 trên thế giới) và tính hiệu quả của dự án đối với công tác đảm bảo vệ sinh, bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội. Song, PGS.TS Bùi Thị An cũng nhấn mạnh, nếu chỉ trông chờ vào Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý để nâng cao chất lượng, hiệu quả xử lý rác thải, đảm bảo VSMT trên địa bàn TP là chưa đủ.

Theo lý giải của PGS. TS Bùi Thị An, theo công suất thiết kế, khi vận hành cả 3 giai đoạn nhà máy có khả năng tiếp nhận 5.000 tấn rác/ngày, khả năng xử lý khoảng 4.000 tấn rác/ngày, tương đương khoảng 50 – 60% lượng rác thải phát sinh trên địa bàn TP. Như vậy, đồng nghĩa với việc vẫn còn một lượng lớn rác thải phát sinh hàng ngày vẫn phải tiến hành chôn lấp lạc hậu, thậm chí là trôi nổi, không được xử lý theo đúng quy định.

Do đó, Hà Nội cần phải đẩy nhanh tiến độ Nhà máy xử lý rác thải Sepharin tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn, hay dự án Nhà máy xử lý rác thải phát điện Núi Thoong (huyện Chương Mỹ), Nhà máy xử lý rác thải Châu Can (huyện Phú Xuyên)… để công tác đảm bảo VSMT, bảo vệ môi trường đem lại hiệu quả bền vững.

Đồng quan điểm với PGS. TS Bùi Thị An, Phó Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai Vũ Công Minh chia sẻ, hiện nay, phần lớn lượng rác thải của Thủ đô đang được chôn lấp thủ công tại 2 bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn. Sự phụ thuộc quá nhiều vào 2 bãi rác là Xuân Sơn và Nam Sơn đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các đơn vị thu gom, duy trì VSMT cũng như đời sống của người dân dọc tuyến đường mà các xe vận chuyển rác đi qua.

Lý giải về việc này, Phó Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai Vũ Công Minh cho biết, theo nguyên tắc tính giá, tỷ lệ % chi phí nhiên liệu đầu vào cho các hạng mục như thu gom, vận chuyển rác, quét đường bằng xe cơ giới, tưới nước rửa đường sẽ chiếm từ 14 - 38% trong đơn giá. Trong khi đó, hiện nay có những đơn vị phải di chuyển cả trăm cây số, di chuyển qua trung tâm TP để đưa rác về các bãi rác… rất bất tiện, tốn kém, gây mất VSMT, an toàn giao thông.

Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý theo hướng hiện đại là hết sức cần thiết để nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, biến rác thành tài nguyên… hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

 

2 dự án nhà máy xử lý rác thải chậm tiến độ

Ngày 7/7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu HĐND TP Hà Nội về các dự án Nhà máy xử lý rác chậm tiến độ gồm Nhà máy xử lý rác Châu Can (huyện Phú Xuyên) và Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong (huyện Chương Mỹ), sau 7 năm phê duyệt chủ trương đầu tư vẫn chưa triển khai được, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cho biết: "Dự án Nhà máy xử lý rác thải Châu Can, TP đã quyết định chủ trương đầu tư và giao Công ty Môi trường đô thị Thăng Long từ năm 2015 và đã xác định ranh giới GPMB, nhưng đơn vị chưa triển khai; đồng thời, đây cũng là đơn vị trước đây cũng làm chủ đầu tư Nhà máy Điện rác tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây). Yêu cầu Sở KH&ĐT xem xét kỹ năng lực của nhà đầu tư này và thể hiện rõ quan điểm nếu không thực hiện sẽ thu hồi để kêu gọi đầu tư hoặc đầu tư công.

Đối với Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong, hiện đã GPMB xong, TP giao đất cho chủ đầu tư với diện tích 10ha và được cấp sổ đỏ với quy mô 500 tấn ngày đêm. Để triển khai nhà máy xử lý rác thải phát điện thì công xuất này hơi nhỏ và nhà đầu tư đề xuất nâng quy mô lên 2.000 tấn. TP cơ bản thống nhất và giao cho các sở, ngành xem xét đầu tư để nâng công suất, trong đó có thể điều chỉnh quy hoạch.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần