Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội:

Gỡ nút thắt về thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư

Hồng Thái - Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong phiên họp Quốc hội ngày 9/6, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, quy định “thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành tái định cư” là chưa hợp lý…

Nhà tái định cư để không lâu năm, rất lãng phí

Nhấn mạnh Luật Đất đai là bộ luật quan trọng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, vừa rồi chúng ta lấy ý kiến Nhân dân đóng góp, có nhiều ý kiến hay, thiết thực; kỳ vọng khi bộ luật đi vào cuộc sống sẽ có bước tiến quan trọng về chất lượng.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thảo luận tại tổ
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thảo luận tại tổ

Góp ý Dự thảo Luật, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, khoản 3 Điều 66 của Dự thảo Luật quy định về lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Tuy nhiên, tại một số quận, huyện ở Hà Nội đã có quy hoạch đô thị nên có thể không phải lập quy hoạch sử dụng đất. Còn Điều 126 trong Dự thảo Luật về giao đất, cho thuê đất, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư là hình thức tốt, tuy nhiên quy mô 5 ha (đô thị), 10 ha (nông thôn) là chưa hợp lý. Nếu theo quy định quy mô đất như thế này, Hà Nội sẽ có ít dự án. Có thể giao cho Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quy định về nội dung này sẽ phù hợp hơn.

Đối với các trường hợp phải thu hồi đất, dự thảo Luật quy định 31 trường hợp, chưa chắc đã đầy đủ. Vì vậy, nên quy định tiêu chí, làm rõ nội hàm về phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng như thế nào, phải nghiên cứu có hành lang pháp lý cho chuẩn khi liệt kê các trường hợp và theo nhóm thu hồi.

Các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội thảo luận tại tổ ngày 9/6
Các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội thảo luận tại tổ ngày 9/6

Liên quan quy định “thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành tái định cư” là chưa hợp lý, bởi có thể tái định cư bằng nhà hoặc bằng tiền. Có trường hợp xây nhà tái định cư xong, dân đến xem nhưng lại đổi ý lấy tiền, dẫn đến tình trạng không ít nhà tái định cư xây xong để không lâu năm, rất lãng phí. Do vậy, nên xin ý kiến người dân ngay trong lúc điều tra thực hiện dự án, tránh xảy ra hiện trạng xây xong nhà tái định cư nhưng chỉ có ít người dân đến nhận nhà,

Phòng ngừa lợi dụng quy định của luật để đầu cơ đất nông nghiệp

Thảo luận tại tổ, đại biểu Lê Quân bày tỏ sự quan tâm đến chính sách đối với việc sử dụng đất tại các nông, lâm trường sau khi giải thể mà cấp cho người dân sử dụng. Theo đại biểu, nhiều địa phương đã có quy định về định mức, thống kê nguyên trạng sử dụng đất, song trên thực tế hành lang pháp lý trong dự thảo Luật về loại đất này chưa rõ ràng.

Đại biểu Lê Quân nêu thực tế một số địa phương người dân phải thuê đất trồng rừng và trả phí qua trung gian
Đại biểu Lê Quân nêu thực tế một số địa phương người dân phải thuê đất trồng rừng và trả phí qua trung gian

Đại biểu Lê Quân nêu thực tế một số địa phương người dân phải thuê đất trồng rừng và trả phí qua trung gian; một số khu vực đã hình thành khu dân cư, khu vực sản xuất kinh doanh khi muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải qua Ban quản lý dự án để làm thủ tục, gây tốn kém và phiền phức cho người dân.

Qua khảo sát tại huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây về thực trạng này, đại biểu kiến nghị đẩy mạnh phân cấp, giao cho địa phương căn cứ vào quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất để hình thành các khu dân cư, khu vực dành cho đất nông nghiệp… để tăng hiệu quả sử dụng đất, tránh tình trạng “để nguyên trạng không được, thu hồi cũng không xong”.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa quy định dự thảo Luật theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Trong đó, có tính đến đặc thù các loại đất thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng và đối tượng nhận chuyển nhượng là “tổ chức” phân biệt với đối tượng nhận chuyển nhượng là “cá nhân” không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Đại biểu cũng đề nghị có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa việc lợi dụng quy định này để đầu cơ đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến mục tiêu chính sách.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa quy định dự thảo Luật theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp
Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa quy định dự thảo Luật theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, đối với đất trồng lúa, trường hợp thật cần thiết mở rộng đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đối với cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 46 dự thảo Luật (có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp tỉnh chấp thuận). Cơ quan thẩm tra nên nghiên cứu thực hiện thí điểm tại một số địa phương, đánh giá, tổng kết trước khi áp dụng ở quy mô rộng hơn”, đại biểu kiến nghị.

Quy định chính sách cụ thể với đất di tích, đất công

Quan tâm đến đất đai tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh khi Điều 216 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề cập đến nội dung đất sử dụng đa mục đích, đại biểu Trần Việt Anh cho hay, Dự thảo Luật đã được hoàn thiện, khắc phục nhiều bất cập trong thực tiễn khi đề cập đất có thể sử dụng nhiều mục đích khác nhau.

Đại biểu Trần Việt Anh kiến nghị nếu tăng thêm mục đích sử dụng đất thì phải tăng tiền thuế sử dụng đất
Đại biểu Trần Việt Anh kiến nghị nếu tăng thêm mục đích sử dụng đất thì phải tăng tiền thuế sử dụng đất

Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị nếu tăng thêm mục đích sử dụng đất thì phải tăng tiền thuế sử dụng đất. Ngược lại, nếu giảm mục đích sử dụng đất của người dân trong các khu di tích, danh lam thắng cảnh thì phải giảm tiền thuế sử dụng đất nhằm bảo đảm quyền lợi và công bằng cho người dân.

Quan tâm đến chính sách sử dụng đất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Lê Quân lấy dẫn chứng một trường đại học hiện nay dù đã tự chủ, đất trong khuôn viên nhà trường rộng, song nếu muốn mở một khu dịch vụ cho sinh viên, hay căng tin trong nhà trường đều bị vướng vì không có trong quy hoạch. Nếu nhà trường muốn mở dịch vụ thương mại, phải xây dựng ở một khu vực cách xa nhà trường, hoặc phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất với  nhiều thủ tục phức tạp.

“Do đó, Dự Luật cần có quy định cụ thể đối với việc sử dụng đất tại các đơn vị sự nghiệp công lập, vừa tạo điều kiện cho các đơn vị tăng nguồn thu khi tự chủ vừa không phá vỡ quy hoạch, và sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả” - đại biểu Lê Quân kiến nghị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần