Gỡ nút thắt vốn BOT

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám sát chặt việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) giao thông: Đây là yêu cầu vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

 BOT Cai Lậy
Tính đến tháng 3/2019, tổng dư nợ cho BOT, BT giao thông của 24 tổ chức tín dụng đã lên tới 103.573/175.296 tỷ đồng cam kết cấp tín dụng, trong đó VietinBank có dư nợ lớn nhất lên tới hơn 34.000 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, hiện các ngân hàng thương mại đang tập trung tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông. Đại diện của một NHTM lớn đã từng đi đầu về cho vay các dự án này cho hay, năm nay, ngân hàng tập trung thu hồi các khoản nợ đến hạn, không cho vay thêm đối với các dự án BOT, BT. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng khác cho biết họ phải giải quyết vấn đề sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nhằm đảm bảo quy định tỷ lệ vốn tự có và hệ số an toàn vốn (CAR) của NHNN.
Tuy nhiên, ngay cả khi gỡ được vấn đề tăng vốn, việc rót 5.000 - 7.000 tỷ đồng cho vay dự án BOT, BT với một ngân hàng là không hề dễ dàng. Thời gian thu hồi vốn của các dự án BOT, BT giao thông thường kéo dài 3 - 5 năm, thậm chí 10 - 15 năm hoặc lâu hơn. Không chỉ đối diện rủi ro về thời gian thu hồi vốn, các ngân hàng cũng rất khó để kiểm soát hết chất lượng các dự án, chẳng hạn tỷ lệ thất thoát vốn trong quá trình xây dựng, lưu lượng xe cộ lưu thông thấp hơn dự kiến, mức phí của chủ đầu tư đưa ra không được người sử dụng công trình chấp nhận… Những vụ lùm xùm ở trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), trạm BOT Hạc Trì, Việt Trì (Phú Thọ)... chắc chắn đã khiến không ít ngân hàng ám ảnh.
Tuy vậy, theo các chuyên gia tài chính, việc kiểm soát rủi ro trong cấp tín dụng đối với dự án BOT nên thận trọng. Một con đường BOT có thể cải thiện hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy cả một vùng phát triển, vì thế cần có sự hợp tác giữa Nhà nước với tư nhân, cùng bỏ tiền làm dự án, cùng chia sẻ rủi ro để thúc đẩy sự phát triển chung. Nếu “phanh gấp” sẽ tạo cú sốc đối với các dự án đang triển khai dở dang. Với các dự án BOT thực hiện đúng quy định, nhà đầu tư đáp ứng năng lực, điều kiện, dự án trọng điểm, ngân hàng nên tiếp tục rót vốn theo tiến độ đã cam kết.
Các chuyên gia cũng đồng tình với chỉ đạo của Chính phủ, việc tài trợ tín dụng cho các dự án BOT, BT phải được quy chuẩn hóa và giám sát chặt chẽ, đặc biệt ở khía cạnh năng lực tài chính, phương án hoàn trả của chủ đầu tư; Tăng minh bạch, nâng chất lượng, hiệu quả… Có như vậy, các tổ chức tín dụng sẽ hết cơn ám ảnh bởi nợ xấu khi cho vay theo hình thức này.