Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ rào cản cho người tham gia BHXH tự nguyện

Nguyên Anh - Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến hết tháng 9/2019, cả nước đã vận động được hơn 463 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH tự nguyện). Để đạt mục tiêu số BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi vào năm 2021 hoàn toàn có thể đạt được, tuy vậy để đạt được mức 2,5% vào năm 2025 và 5% vào năm 2030, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành.rn

Vận động, tuyên truyền đến từng nhà, từng người
Theo mục tiêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH: Đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng, trợ cấp xã hội.
Đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, ngành BHXH đang nỗ lực thực hiện cải cách chính sách BHXH, trong đó từng bước phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng, hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Tổ chức thực hiện tốt chế độ BXHH tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước, giải quyết, chi trả các chế độ BHXH kịp thời, đầy đủ đến người tham gia; đơn giản hóa quy trình, thủ tục tham gia; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ tiếp cận dịch vụ BHXH qua việc đa dạng các dịch vụ đóng, hưởng thông qua hệ thống dịch vụ viễn thông, ngân hàng...
 
Nhìn lại con số tham gia BHXH tự nguyện qua 10 năm triển khai thực hiện (2008- 2018), tính đến 31/12/2018, cả nước mới có hơn 270 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 0,55% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đến hết tháng 9/2019, cả nước đã vận động được hơn 463 nghìn người tham gia (chiếm khoảng 0,9% trong lực lượng lao động trong độ tuổi) tăng trên 26 nghìn người so với tháng 8/2019, tăng 192 nghìn người so với tháng 12/2018. Riêng trong tháng 9, toàn ngành đã vận động được hơn 20 nghìn người.
“Ngành BHXH đã thực hiện nhiều giải pháp cũng như công tác phối hợp trong mở rộng số người tham gia BHXH tự nguyện, thay vì chỉ vận động, bây giờ BHXH các cấp đã cùng các đại lý bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ. Đó chính là tinh thần “đến từng nhà, gặp từng người” trong tuyên truyền mở rộng BHXH tự nguyện”- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết.
Theo ông Liệu, 3 tháng cuối năm nay ngành còn phải phát triển 27.600 người tham gia BHXH tự nguyện. Nhiều địa phương đã phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện cao hơn tỷ lệ chung là Sơn La, Hưng Yên, Cà Mau, Hà Nam, Điện Biên. Đặc biệt, có 5 địa phương phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện cao trong 9 tháng đầu năm 2019 là Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương và Sơn La.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHXH tự nguyện
Nghị quyết số 28 đặt ra mục tiêu “từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”. Chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động tự do khi tuổi về già.
Chia sẻ về vấn đề, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho hay: Đối với những người tham gia BHXH bắt buộc, khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng góp, thay vì chỉ được hưởng BHXH một lần như trước đây thì có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng ngay lương hưu.
Đối với người tham gia BHXH tự nguyện nói chung, có thể lựa chọn mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH phù hợp điều kiện tài chính của mình với mức thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (hiện tại là 700 nghìn đồng/tháng, khi đó mức đóng chỉ là 154 nghìn đồng/người/tháng) và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (với mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng, mức đóng là 6,556 triệu đồng/người/tháng; người tham gia có thể lựa chọn phương thức đóng cũng rất linh hoạt: đóng hằng tháng, hằng quý, sáu tháng, hằng năm, hoặc đóng một lần cho nhiều năm.
Cũng theo ông Nam, từ ngày 1/1/2018, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn; cụ thể với ba mức: hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng còn lại. Và căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp. Đồng thời, Nhà nước bảo hộ quỹ BHXH và thực hiện các biện pháp để bảo toàn và tăng trưởng quỹ; bảo đảm mọi người tham gia đều được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định của pháp luật.
Ông Trần Hải Nam đánh giá, mục tiêu BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi, vào năm 2021 là hoàn toàn có thể đạt được, tuy vậy để đạt được mức 2,5% vào năm 2025 và 5% vào năm 2030, cần phải thể hiện quyết tâm chính trị, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đối với công tác này. Cũng theo ông Nam, từ năm 2021 trở đi, Chính phủ sẽ quyết định giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương.
Hỗ trợ tiền bảo hiểm xã hội tự nguyện cho gần 270 nghìn người
Ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam cho hay, năm 2018, số người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ đóng là 276.680 người, với số tiền đã được ngân sách hỗ trợ là 27,6 tỷ đồng. Còn trong sáu tháng đầu năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ đóng là 269.153 người với số tiền được hỗ trợ là 28,1 tỷ đồng.