Chìa khóa thúc đẩy nguồn vốn FDI
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, có 3 phương thức để thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa của các DN FDI hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Một là, Việt Nam cần cải thiện hiệu quả các hoạt động đào tạo nhân lực giúp nâng cao năng lực của người lao động. Theo đó, chất lượng của lực lượng lao động đang là một trong những rào cản chính khiến doanh nghiệp Việt Nam khó kết nối vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, khó kết nối được với các DN FDI.
Bởi vậy, lực lượng lao động của các DN trong nước cần được đào tạo tốt hơn để nắm bắt được công nghệ mới. “Chúng tôi cho rằng, cần có vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong hàng loạt các vấn đề như: dành nhiều nguồn lực để cải thiện chất lượng các trường đào tạo nghề, kết nối hoạt động đào tạo nghề và thực tiễn phát triển công nghệ, khuyến khích đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào hoạt động đào tạo nghề….”, theo ông Vũ Tiến Lộc.
Hai là, cần có giải pháp đột phá và thực tế để cải thiện và thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước và DN FDI…Khi khoảng cách về công nghệ giữa các DN FDI và các DN nội địa là quá lớn hoặc thì khả năng chuyển giao công nghệ chắc chắn sẽ bị hạn chế.
Ba là, khoảng cách địa lý cũng có tác động đến sự nối kết này. Việc hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất riêng biệt, tách biệt các doanh nghiệp FDI, có thể giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và xuất khẩu. Tuy nhiên, nó lại khiến cho những hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước trở nên bị hạn chế. Khi Chính phủ, chính quyền các địa phương thiết kế các khu công nghiệp riêng dành cho đầu tư FDI cũng phải tính đến sự nối kết với các khu, cụm công nghiệp dành cho các DN vừa và nhỏ.
“Theo quan điểm của các DN Việt Nam, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI. Nếu không có một lực lượng lao động chất lượng cao thì dù khoảng cách trình độ công nghệ không xa hay khoảng cách địa lý giữa doanh nghiệp FDI và tư nhân trong nước có gần như thế nào đi nữa, thì các DN Việt Nam vẫn không thể học hỏi được công nghệ nói chung và công nghệ quản lý nói riêng của các DN FDI.”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Kiến nghị Bộ Y tế bỏ giấy phép con
Bên cạnh đó, các đại diện DN nước ngoài tham gia Diễn đàn đã chia sẻ những đề xuất để khơi thông hoạt động của họ tại Việt Nam.
Trong bản tổng hợp ý kiến đóng góp của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tới VBF giữa kỳ 2017, yêu cầu “đăng ký bản Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” trong Nghị định 38/2012/NĐ-CP (hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm), đối với các sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) là loại giấy phép con. “Doanh nghiệp phải đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp Giấy Xác nhận. Yêu cầu này mâu thuẫn với Khoản 1a Điều 7 của Luật An toàn thực phẩm”, Phó Chủ tịch AmCham Tomaso Andreatta khẳng định.
Theo điều này, tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có quyền quyết định và công bố các tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản xuất, cung cấp. Đặc biệt, yêu cầu này cũng bị các DN của EuroCham đánh giá là trái với Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, khi quy định của Nghị định 38/2012/NĐ-CP vượt qua nội dung được giao trong Luật An toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các DN châu Âu cũng cho rằng, các quy định chung về mức, chỉ tiêu, yêu cầu liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sức khoẻ con người (như kim loại nặng, các chất ô nhiễm, vi sinh vật...) đã được Bộ Y tế ban hành từ năm 2011. “Chúng tôi kính đề nghị Chính phủ chỉ định và Bộ Y tế xem xét gỡ bỏ quy định này khỏi Nghị định 38 sửa đổi, đảm bảo thống nhất với Luật An toàn.”, theo ông Andreatta.
KoCham đề xuất bỏ thuế xuất khẩu nhôm
Trong khi đó, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn quốc KoCham đặc biệt nhấn mạnh tới khó khăn của doanh nghiệp khi có sự thay đổi về thuế xuất khẩu với các sản phẩm nhôm.Trước đây, Luật Thuế Xuất khẩu, Thuế Nhập khẩu và Nghị định thi hành có quy định “Không áp thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm được sản xuất từ vật tư được nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu”.Tuy nhiên, Luật Thuế xuất khẩu, Thuế Nhập khẩu (khoản 7 điều 16, Luật số 107/2016/QH13) đã được sửa đổi ngày 06/4/2017 và Nghị định 134/2016/NĐ-CP lại không còn cụm từ “không áp thuế xuất khẩu”.“Do đó, các cơ quan nhà nước đang hiểu là vẫn áp thuế xuất khẩu. Và hiện tại, các sản phẩm này vẫn đang bị áp thuế xuất khẩu”, ông Ryu Hang Ha nói. Hiện tại, thuế xuất khẩu được áp lên các sản phẩm nhôm khảng 7-10%.
KoCham cho rằng, nhiều nhà sản xuất sản phẩm nhôm đang phải đối mặt với khó khăn khi xuất khẩu các sản phẩm này từ Việt Nam, bởi vì họ mất năng lực cạnh tranh về giá tại các thị trường nước ngoài. “Hàn Quốc và Trung Quốc không áp thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm nhôm… Điều này sẽ giúp các nhà sản xuất các sản phẩm nhôm đảm bảo được năng lực cạnh tranh về giá và góp phần vào sự phát triển công nghiệp của Việt Nam và cũng khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục hoạt động thuận lợi”, ông nói.
Kết quả cuộc khảo sát được thực hiện vào cuối năm ngoái với các công ty Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam, 46,1% số DN được hỏi cho biết sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam, trong khi đó 44,7% cho biết sẽ vẫn đầu tư vào Việt Nam ở mức hiện tại. KoCham cũng cho biết, 71% DN được hỏi cho biết họ hài lòng với hoạt động quản lý kinh doanh tại Việt Nam.