Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ rối khi mua xe cũ nhiều đời chủ

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người dân tỏ ra lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến xe cũ sau khi Thông tư 24/2023/TT-BCA về định danh biển số xe có hiệu lực từ ngày 15/8.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có thông tin rõ ràng cũng như hướng dẫn người dân cụ thể tránh tình trạng hiểu lầm quy định gây khó khăn, bức xúc.

Loay hoay tìm chủ cũ

Từ 15/8, biển số ô tô, xe máy sẽ được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe, còn gọi là biển số định danh, theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an. Như vậy, mỗi một phương tiện xe sẽ có một biển số đi theo người được gọi là “biển số định danh”. Biển xe 5 số sẽ mặc định là biển số định danh, các biển xe 3 số hoặc 4 số được thu hồi và cấp đúng theo quy định.

Người dân làm thủ tục đăng ký xe tại Đội CSGT, Công an huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Người dân làm thủ tục đăng ký xe tại Đội CSGT, Công an huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, công tác quản lý đăng ký xe đã bước sang một giai đoạn mới, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Theo đó sẽ công khai, minh bạch trong công tác đăng ký, quản lý xe. Mã định danh cá nhân đã giúp ích rất lớn cho việc quản lý con người, do đó, quản lý phương tiện đòi hỏi phải có biển số định danh. Việc này sẽ góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ phương tiện khi tham gia giao thông, phục vụ tốt cho công tác quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, việc định danh biển số xe đang khiến một số người dân loay hoay, gặp khó khăn. Anh Nguyễn Thế Hà, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Tôi mua chiếc xe ô tô cũ từ năm ngoái, tuy nhiên khi mang hồ sơ, giấy tờ liên quan đến làm thủ tục mới “ngã ngửa” khi được cán bộ nơi đăng ký xe thông báo không hợp lệ, phải gọi chủ cũ đến vì biển số xe đã được tự động định danh theo tên của người này”. Theo anh Thế Hà, khi liên lạc lại, chủ cũ của xe đã vào miền Nam làm ăn nên anh không biết xoay xở như thế nào để định danh biển số xe.

Anh Phạm Tuấn Anh trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội chia sẻ: “Tôi đang có ý định mua một chiếc xe máy Honda SH 150 giá 90 triệu đồng nhưng thấy thông tin thủ tục làm sang tên đổi chủ đang còn khúc mắc nên tạm thời dừng việc mua xe cũ và nghe ngóng thêm”. Theo anh Tuấn Anh, trước kia, việc mua xe nhanh gọn, chỉ cần xe chính chủ mua vài phút là xong. Nhưng giờ với quy định mới về biển số định danh, anh chưa hiểu rõ hoạt động mua bán xe cũ sẽ thế nào. Hơn nữa, chiếc xe này lại mua qua cửa hàng kinh doanh xe cũ chứ không phải chủ xe.

Làm nghề kinh doanh xe cũ, chị Nguyễn Thị Lan, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, thời gian qua, có rất nhiều khách hàng đã mua xe đến nhờ tìm lại thông tin chủ xe cũ để làm thủ tục rút hồ sơ. "Chúng tôi không thể tìm được hết thông tin những người bán xe. Có một số trường hợp tìm được thì chủ cũ bận, đi công tác, đang ở xa hoặc họ tránh không đến vì sợ bị phạt cũng khiến người chủ mới như đang "ngồi trên đống lửa", không biết bao giờ mới có thể làm xong thủ tục sang tên đổi chủ” - chị Lan cho biết.

Trước đây, chủ phương tiện sau khi bán xe chỉ cần hoàn tất thủ tục về hợp đồng mua bán. Nhưng theo quy định mới, trong vòng 30 ngày, chủ phương tiện phải đến cơ quan công an để bàn giao lại biển số xe và đăng ký phương tiện.

Nhiều thủ tục mới

Liên quan đến vấn đề mà nhiều người dân đang gặp phải, luật sư Phạm Thanh Hải – Trưởng Văn phòng luật Hải Thanh cho biết, theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an, người dân đang sử dụng xe không chính chủ phải đến cơ quan quản lý hồ sơ đăng ký xe đó để làm thủ tục thu hồi và đăng ký sang tên mình. Trường hợp cơ quan quản lý hồ sơ đồng thời là nơi đăng ký xe trước đây sẽ không phải làm thủ tục thu hồi.

Người sử dụng phải nộp giấy khai đăng ký xe, trong đó ghi rõ quá trình mua bán và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc xe; Nộp thêm chứng từ chuyển quyền sở hữu của chủ xe và người bán cuối cùng (nếu có), nộp lệ phí trước bạ. Trường hợp người dùng có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của chủ xe và của người bán cuối cùng, trong hai ngày làm việc, cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi. Xử phạt xong, cơ quan công an sẽ đăng ký sang tên theo quy định.

“Nếu không có chứng từ chuyển quyền sở hữu, cơ quan công an sẽ cấp giấy hẹn để được sử dụng xe trong 30 ngày. Cùng với đó, cơ quan công an sẽ gửi thông báo cho chủ xe, cơ quan đã đăng ký cho xe đó và niêm yết công khai về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký; Tra cứu tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký xe. Sau 30 ngày nếu không có tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi và tiến hành đăng ký sang tên” – luật sư Phạm Thanh Hải cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng, theo quy định mới nêu trên, chủ xe là người Việt Nam thì biển số được quản lý theo mã định danh cá nhân. Theo đó, hồ sơ đăng ký cấp biển số xe không có sự thay đổi. Điểm khác ở đây là cách thức Bộ Công an quản lý cơ sở dữ liệu của phương tiện.

Thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng, việc đổi mới phương thức quản lý này rất cần thiết và có thể tạo ra những bước chuyển mới khi ứng dụng công nghệ số vào quản lý xã hội. Việc tiến tới định danh biển số xe là nhằm phục vụ tốt cho công tác quản lý của Nhà nước và bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của người dân trong việc tham gia giao thông khi sử dụng phương tiện.

 

Khi có những quy định mới ra đời khó có thể tránh khỏi những vướng mắc, băn khoăn của người dân trong việc xử lý thủ tục. Qua đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn trước và sau khi ban hành thông tư, nghị định mới để Nhân dân nắm được. Ngoài ra cần bố trí cán bộ, hướng dẫn người dân cụ thể tại các điểm đăng ký xe, tạo điều kiện hết mức thuận lợi cho người dân tránh tình trạng bức xúc khi đi làm thủ tục sang tên, đổi chủ phương tiện.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan