Go - Viet, đối trọng của gã khổng lồ Grab

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự hậu thuẫn của Go - Jek, gã khổng lồ công nghệ đa nền tảng đến từ Indonesia, Go - Viet đang có những bước đi rất táo bạo, nhằm chiếm lĩnh thị trường và cạnh tranh với Grab tại Việt Nam.

Thách thức mới của Grab

Sau một thời gian chạy thử ở TP Hồ Chí Minh, ngày 12/9, Go - Viet chính thức ra mắt thị trường Hà Nội. Tổng Giám đốc Go - Viet Nguyễn Vũ Đức cho biết, trong thời gian tới, Go-Viet sẽ triển khai 4 dịch vụ cốt lõi của DN là GoCar, GoBike, GoFood và GoPay tại Việt Nam. Ngoài ra, tùy vào nhu cầu của thị trường Việt Nam, trong tương lai Go - Viet còn triển khai nhiều dịch vụ mới và hấp dẫn khác như dịch vụ đi chợ hộ, gọi người giúp việc, gọi dịch vụ làm đẹp...
 Go-Viet kì vọng sẽ trở thành đối trọng của Grab.
Với sự cam kết hỗ trợ về mặt tài chính, công nghệ từ Go - Jek, giới lãnh đạo Go - Viet đang rất tự tin về sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của DN này. Bởi chỉ sau một thời gian ngắn thành lập với số vốn điều lệ rất khiêm tốn (2 tỷ đồng), Go - Viet đang làm được nhiều điều và có được nhiều thuận lợi mà các DN Việt cùng ngành đều “bó tay”. Ông Nadiem Makarim, nhà sáng lập, kiêm Tổng Giám đốc Go - Jek khẳng định, chỉ sau hơn một tháng có mặt tại Việt Nam, Go - Viet đã có 1,5 triệu lượt tải ứng dụng và có trong tay 35% thị phần xe ôm công nghệ tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng điều lớn nhất mà Go - Viet làm được chính là thách thức vai trò và buộc Grab phải có những động thái nhằm giữ thị phần ở Việt Nam.

Chiến thuật hợp lý

Nhiều chuyên gia nhận định, một trong những bí quyết giúp Go - Viet có được thành công bước đầu như hiện nay là DN đã nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh giá chuẩn xác về những điểm yếu đang tồn tại ở Grab. Trong đó, điểm yếu lớn nhất là chính sách có phần khắc nghiệt mà Grab đưa ra với đội ngũ tài xế đầu quân về từ Uber. Sau khi Uber chính thức sáp nhập vào Grab, rất nhiều tài xế của Uber buộc phải xin vào làm việc cho Grab nhằm duy trì “cần câu cơm”. Thế nhưng, cách mà Grab đối xử với họ lại khiến nhiều người thất vọng.

Tại thị trường Hà Nội, Go - Viet đang mở chương trình khuyến mại hấp dẫn: Khi sử dụng dịch vụ Go-Bike dưới 6km xuất phát từ 6 quận gồm: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Đống Đa và Cầu Giấy sẽ được hưởng giá cước chỉ 1.000 đồng/cuốc xe.

Ngoài chuyện chiết khấu cao, Grab còn yêu cầu những “lính mới” không được đăng ký làm đối tác cho bất kỳ ứng dụng gọi xe nào khác ngoài Grab trong khi trước đó, đây lại là điều Uber luôn khuyến khích nhằm tạo điều kiện để tài xế của mình tăng thêm thu nhập. Sẵn tâm lý không hài lòng nên khi Go - Viet xuất hiện, rất nhiều tài xế không ngần ngại từ bỏ Grab để đầu quân về đây. Bởi thế, ngay trong ngày đầu nhận đơn đăng ký tuyển tài xế ở Hà Nội (ngày 4/9), Văn phòng Go - Viet nằm trên phố Vương Thừa Vũ tràn ngập những tài xế khoác trên mình màu áo xanh của Grab đến nộp đơn. Thậm chí, văn phòng Go - Viet ở Hà Nội đã phải tăng cường làm việc trong cả ngày cuối tuần để phục vụ những thành viên mới.

Một lý do khác giúp Go - Viet thu hút tài xế là chế độ đãi ngộ rất hấp dẫn. Cụ thể, với mỗi chuyến đi khách trả 5.000 đồng, tài xế được thưởng 25.000 đồng. Nếu trong một ngày, tài xế nào thực hiện 9 chuyến chở khách cũng được thưởng tới 220.000 đồng. Trong trường hợp khi mức khuyến mãi cho khách hàng tăng lên 9.000 đồng/chuyến dưới 8km, Go - Viet cũng nâng chỉ tiêu thưởng cho tài xế, có thể lên tới 300.000 đồng/ngày. Rõ ràng, so với chế độ đãi ngộ ở Grab thì cơ chế Go - Viet đang áp dụng đã thuyết phục hoàn toàn các tài xế. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đến một thời điểm nào đó, khi thị phần đã ổn định, các chương trình khuyến mại trên cũng phải được cắt giảm để đảm bảo lợi nhuận thu về. Song, trong bối cảnh Grab đang bị mất điểm khá nhiều với nhiều chính sách có phần khắc nghiệt, Go - Viet đã biết tận dụng cơ hội để biến nhược điểm của đối thủ thành ưu thế. Chiến lược xây dựng để trở thành hãng dịch vụ gọi xe công nghệ “thuần Việt” (tất cả đội ngũ gồm quản lý và nhân viên đều là người Việt Nam) mà Go - Viet đưa ra cũng tạo ra lợi thế không nhỏ để hãng này phát triển, tiến tới có thể cạnh tranh sòng phẳng với Grab.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần