Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ vướng cho lễ hội Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã gần hết tháng Giêng – tháng cao điểm của lễ hội, nhưng khi Đoàn kiểm tra của TP Hà Nội thực địa ở gần 10 di tích: Đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Quán Thánh, chùa Hương, chùa Hà…

Mặc dù đã gần hết tháng Giêng – tháng cao điểm của lễ hội, nhưng khi Đoàn kiểm tra của TP Hà Nội thực địa ở gần 10 di tích: Đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Quán Thánh, chùa Hương, chùa Hà… vẫn chứng kiến khung cảnh tấp nập khấn vái.

Bên cạnh những mặt tích cực, rất nhiều hệ lụy chốn đông người được Đoàn kiểm tra liên ngành yêu cầu chấn chỉnh.

Ghi nhận những chuyển biến tích cực

Chùa Hương (huyện Mỹ Đức) những ngày cuối tháng Giêng, khách dự hội không được hưởng cái se lạnh, mưa Xuân như dịp đầu năm, nhưng đò thuyền vẫn tấp nập xuôi suối Yến về bến Thiên Trù. Khu vực bên trong chùa Thiên Trù, động Hương Tích lúc nào cũng tắc nghẽn vì người qua lại. Theo ông Nguyễn Công Hậu – Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2016: “Tính đến ngày 3/3, khu di tích chùa Hương đón gần 70 vạn du khách về dự hội, tăng hơn 9 vạn so với cùng kỳ năm trước”. Thế nên, bộ phận phục vụ lễ hội vẫn “căng mình” làm việc.
Hàng quán lộn xộn xung quanh khu di tích đền Đức Thánh Cả.	Ảnh: Thanh Loan
Hàng quán lộn xộn xung quanh khu di tích đền Đức Thánh Cả. Ảnh: Thanh Loan
Lượng khách dự hội đông là thế, nhưng ai nấy đều hồ hởi. Theo bà Bạch Thanh (Lập Thạch, Vĩnh Phúc): “5 năm nay, năm nào tôi cũng dự hội chùa Hương. Nếu như mọi năm cáp treo tắc đến hàng tiếng, thì năm nay tôi chỉ cần xếp hàng 10 phút là đến lượt”. Hệ thống loa đài hướng dẫn người dân đi lễ chấp hành văn minh lễ hội như không mang đồ mặn vào lễ Phật, không đốt vàng mã, đặt tiền lẻ đúng nơi quy định được lan tỏa từ khu vực bến Yến vào trong động Hương Tích. Ở cổng chùa Thiên Trù, rất nhiều các vãi đứng bên ngoài ngăn người đi chùa mang gà, thịt lợn… vào phía trong lễ bái".

Theo ghi nhận của ông Nguyễn Khắc Lợi – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, thành viên Đoàn thanh tra công tác và quản lý lễ hội cấp TP: “Năm nay, lễ hội chùa Hương đã khắc phục được hoàn toàn hình ảnh phản cảm của các hàng quán bày bán, treo thịt thú rừng. Hệ thống bảng, biển công khai giá vé thắng cảnh, giá xuồng đò, số điện thoại đường dây nóng, giới thiệu về di tích, lễ hội chùa Hương và hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự được lắp đặt từ bến Yến vào đến động Hương Tích. Khu vực trước đền Trình là “điểm nóng” về đổi tiền lẻ những năm trước nay được thay bằng dịch vụ hàng quán gọn gàng”.

2 - 3 năm trước, chùa Hương là “điểm nóng” cần chấn chỉnh của lễ hội Hà Nội. Năm nay, du khách du Xuân về miền đất Phật đã cảm nhận được không khí khác, linh thiêng, thanh bình và trật tự hơn nhiều so với trước đây.

Vẫn còn hành vi trục lợi từ di sản

Chia sẻ về bức tranh của lễ hội Hà Nội từ đầu năm đến nay, người ta bắt đầu quen với cụm từ “chuyển biến tích cực hơn so với các năm trước”, nhưng không có nghĩa lễ hội toàn màu hồng. Bởi đối nghịch với không gian yên bình của di tích hướng mặt ra dòng sông Đáy, lưng tựa núi như đền Đức Thánh Cả là cảnh cãi lộn chan chát của các hàng quán xung quanh. Rõ ràng niềm vui lễ hội chưa trọn vẹn. Không ai phủ nhận lợi ích kinh tế đến từ lễ hội, nên người dân thôn Hồng Vĩnh (Hồng Quang, Ứng Hòa, Hà Nội) và người dân thôn Vĩnh Sơn (xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nội) – nơi sở hữu di tích chùa Đức Thánh Cả, giành nhau từng tấc đất để kinh doanh dịch vụ. Tâm lý không ai chịu ai tồn tại mãi không dứt, đến cả chức thủ đền cũng phải mang ra đấu thầu hàng năm. Một chủ quán bán hàng trong đền rỉ tai du khách: Năm nay thủ đền phải bỏ ra 700 triệu đồng mới trúng thầu. Chính vì vậy, khi sắm vai người vào lễ, ông Lê Sơn Hà – Phó Chánh thanh tra Sở VH&TT Hà Nội buộc phải nộp 50 ngàn đồng để có được tờ giấy đồng ý của thủ đền cho vào đặt lễ trong cung. Ngay tại các lò hóa sớ, các sư vãi cũng thi nhau vòi tiền du khách.

Tận dụng nguồn thu từ lễ hội không chỉ có ở đền Đức Thánh Cả; ở chùa Hương từ đầu năm công an đã bắt, phạt hơn 10 đối tượng “cò” đò (chèo kéo du khách). Thế nhưng, chỉ trong ngày 1/3, khi đoàn thanh tra TP kiểm tra lễ hội, từ Nhà thi đấu Hà Đông, dọc theo quốc lộ 21, đoàn bắt gặp 5 - 6 “cò” đò đi xe máy đuổi theo các đoàn khách, đưa biển bảng có số tên và số điện thoại để phục vụ các dịch vụ ăn uống, đi đò… Hệ thống hàng quán lô nhô, lắp loa đài giới thiệu sản phẩm bánh củ mài, bánh rau sắng ầm ĩ. Những vi phạm này được chỉ ra thẳng thắn ngay tại các buổi kiểm tra của đoàn thanh tra TP. Bởi đây là lần đầu tiên, một đoàn kiểm tra lễ hội cấp TP mà thành phần gồm đại diện lãnh đạo của rất nhiều lĩnh vực như văn hóa, y tế, thông tin và truyền thông, công an, phòng cháy chữa cháy, du lịch… các đơn vị cùng phải chung tay chấn chỉnh lễ hội theo chỉ đạo của UBND TP. Đây cũng là cách “gỡ vướng” cho những lễ hội gặp khó của Hà Nội trong năm nay. Để rồi, những mảng màu hồng vui tươi ở lễ hội chùa Hương, Tứ Trấn Thăng Long, chùa Hà… không chỉ giúp người quản lý thấy phấn khởi mà còn giúp du khách yên lòng hướng về mùa hội mới.