Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin định kỳ do Bộ Nội vụ tổ chức chiều nay, 16/6, Vụ trưởng Vụ Công chức-Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tuấn Ninh cho hay: Dưới sự chỉ đạo sát sao trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Vụ Công chức-Viên chức đã khẩn trương tham mưu lãnh đạo Bộ xây dựng dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Vụ đã tham mưu Bộ trưởng, Ban soạn thảo, Tổ biên tập tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhất là những người chuyên sâu về pháp luật; tham mưu tổ chức 3 hội thảo tại 3 miền và 1 hội thảo với các ban, ngành, cơ quan T.Ư về nội dung này.
Tuy Bộ được Chính phủ cho phép xây dựng dự thảo Nghị định, nhưng đây là vấn đề khó, nhạy cảm, nên Vụ đã tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ có văn bản lấy ý kiến các bộ, ban, ngành T.Ư và cả từ các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Trên cơ sở tổng hợp tiếp thu các ý kiến góp ý, Vụ đã hoàn thiện dự thảo Nghị định và trình Bộ Tư pháp thẩm định; từ đó Vụ tiếp tục hoàn thiện dự thảo trên tinh thần bám sát chủ trương của Đảng, đặc biệt Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Qua các ý kiến tham gia cho thấy các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm, nhiều ý kiến thể hiện trách nhiệm cao. Đến thời điểm này, dự thảo Nghị định cơ bản được hoàn thiện với 5 chương, 27 điều. Trong đó Chương 3 rất quan trọng, với nội dung “chính sách khuyến khích biện pháp bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ quan, tổ chức, cá nhân và xử lý vi phạm”.
Đáng chú ý, theo Vụ trưởng, quá trình xây dựng Nghị định gặp một số vướng mắc ở hai vấn đề: Về các chính sách khuyến khích (việc tuyên dương khen thưởng, đánh giá xếp loại, đào tạo bồi dưỡng, nâng bậc lương trước thời hạn, nâng ngạch thăng hạng, quy hoạch bổ nhiệm...) và về các biện pháp bảo vệ cán bộ (cán bộ khi thực hiện đề xuất đã được phê duyệt, thực hiện không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro xảy ra thiệt hại thì được miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xử lý kỷ luật và trách nhiệm hoàn trả NSNN) cũng như bảo vệ các cơ quan, người có thẩm quyền quyết định cho phép thực hiện đề xuất đổi mới sáng tạo.
“Muốn bảo vệ được cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm thì phải được cấp có thẩm quyền cho phép, nên đặt ra yêu cầu cũng phải bảo vệ cả những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó, bởi nếu sau khi người đứng đầu cơ quan đó cho phép mà xảy ra vấn đề gì thì ai bảo vệ người ấy? Như vậy, việc đồng ý cho cán bộ thực hiện đổi mới sáng tạo sẽ bị gặp khó khăn ngay từ đầu. Chính vì thế, chúng tôi đã đề xuất cả việc bảo vệ các cơ quan, người có thẩm quyền quyết định cho phép thực hiện đề xuất đổi mới sáng tạo"- ông Nguyễn Tuấn Ninh nói.
Tuy nhiên, Vụ trưởng cho hay, vuớng mắc chính là trong chính sách khuyến khích và biện pháp bảo vệ. Trong việc khuyến khích có nội dung nâng ngạch thăng hạng hay quy hoạch, bổ nhiệm vượt cấp... đang vướng ở Luật Công chức-Viên chức; hoặc với vấn đề bảo vệ khi giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, được miễn... thì vướng Luật Hình sự, Luật Bồi thường trách nhiệm thiệt hại. "Muốn để Nghị định triển khai thực hiện đi vào cuộc sống thì phải có vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan tư pháp, viện kiểm sát, tòa án. Chính vì vậy, Vụ nhận thấy có những nội dung trong Nghị định này nếu ban hành thì vượt quá thẩm quyền của Chính phủ"- ông Nguyễn Tuấn Ninh nhấn mạnh.
Từ đó, Vụ trưởng Vụ Công chức-Viên chức cho biết, Vụ đang tham mưu các cấp có thẩm quyền bám sát Luật Ban hành văn bản QPPL, sẽ tham mưu Chính phủ giao Bộ Nội vụ lập hồ sơ đề nghị UBTV Quốc hội xem xét đưa vào chương trình Kỳ họp Quốc hội trên tinh thần sẽ xây dựng Nghị quyết thí điểm “về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”. Trên cơ sở Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm, Bộ sẽ đề xuất ban hành Nghị định để triển khai thực hiện, như vậy mới đảm bảo tính pháp lý.
“Việc đưa nội dung này vào trình tại Kỳ họp Quốc hội phải qua đủ các bước lập hồ sơ, đăng tải trên cổng TTĐT 30 ngày, báo cáo Chính phủ có Nghị quyết. Khi Chính phủ có Nghị quyết rồi, mới đề nghị UBTV Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình Kỳ họp. Vì quy trình ban hành văn bản QPPL rất chặt chẽ, nên chúng tôi đang rất cố gắng và kỳ vọng, nếu kịp các bước, đến Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15 (tháng 10/2023) nếu được UBTV Quốc hội đồng ý cho phép thì có thể đưa vào”- ông Nguyễn Tuấn Ninh khẳng định.