Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ vướng mắc trong giám định tư pháp

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác giám định các vụ xâm hại phụ nữ, trẻ em rất phức tạp, không thể thực hiện trong thời gian ngắn nên thời hạn tối đa 7 ngày là phù hợp.

Đó là ý kiến được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra khi cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp vừa qua.
Từ những vụ việc đặc thù
Theo Dự Luật, quy định về thời hạn giám định là từ 3 đến 4 tháng; với những vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn thêm nhưng không được quá 1/2 thời hạn được quy định trong Luật. Từ thực tiễn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề, hiện nay theo Điều 22 của Luật hiện hành về quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp quy định, người yêu cầu giám định tư pháp có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định.
 Ảnh minh họa.
Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 7 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản, hết thời hạn nói trên người yêu cầu giám định tư pháp mới được quyền tự mình đi yêu cầu giám định tư pháp.
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp người bị hại làm đơn tố cáo, sau đó phải chờ quyết định trưng cầu giám định của cơ quan điều tra trong vòng 7 ngày. Có những vụ việc rất đặc thù, chứng cứ đã bị mất hoặc không còn hiện hữu.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị quan tâm tới việc thời hạn 7 ngày và cho rằng đối với những vụ việc xâm hại trẻ em có thể để tối đa là 5 ngày hoặc ngày 3 ngày tùy các cơ quan liên quan tới vấn đề về khoa học kỹ thuật và mức độ đáp ứng được vấn đề này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng cho biết thêm, trong những trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng các tình tiết vụ án đã rõ ràng, không cần giám định nhưng bản thân người bị hại, người có liên quan cảm thấy chưa an tâm, khi đó phải yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, cho nên quy định thời hạn 7 ngày.
Bảo đảm thực tiễn
Đưa ra quan điểm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, quy định pháp luật quy định chung cho cả nước, mang tính phổ quát nhất, đồng thời cũng ghi nhận những trường hợp cụ thể. Trong một số trường hợp vì cấp bách có thể xử lý trong công văn cụ thể và những lệnh về mặt hành pháp, như vậy vẫn bảo đảm tính khả thi, đảm bảo trong thực tế.
Cho ý kiến thảo luận về vấn đề này, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong quá trình điều tra các vụ án, yêu cầu chứng minh tội phạm là yêu cầu bắt buộc, cho nên trong nhiều vụ việc nếu thấy cần thiết, cơ quan điều tra đều có thể yêu cầu giám định ngay để phục vụ điều tra, phá án.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng cho rằng, công tác giám định, nhất là trong những vụ liên quan đến xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em là rất phức tạp, cho nên vấn đề rút ngắn được thời hạn xuống dưới thời hạn quy định tối đa là 7 ngày hiện nay được hay không còn liên quan đến rất nhiều yếu tố khách quan, ví dụ như động viên được các cháu chịu đi giám định hay không và cha mẹ, người giám hộ của các cháu có đồng ý cho các cháu đi giám định hay không…
Mặt khác, về mặt kỹ thuật giám định, trong khi làm giám định sinh học đối với những vụ liên quan đến xâm hại phụ nữ trẻ em không thể dễ dàng có được kết quả trong ngày một ngày hai. “Theo quan điểm của Bộ Công an, thời hạn giám định tối đa 7 ngày như quy định hiện nay là phù hợp, không trái với Luật. Các cơ quan điều tra cố gắng làm như vậy và trách nhiệm cơ quan điều tra cũng muốn làm như vậy, càng nhanh càng tốt”- Thứ trưởng Lê Quý Vương nói.