Theo công văn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long giao Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền thực hiện cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu và có biện pháp quản lý đối với các sản phẩm có chứa tiền chất Formic Acid theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2021, Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì khẩn trương rà soát và kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền biện pháp quản lý phù hợp các tiền chất ma túy được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và các sản phẩm hàng hóa khác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính kịp thời rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để có căn cứ quản lý các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có chứa tiền chất ma túy, bảo đảm đồng bộ, xuyên suốt, phù hợp với các quy định pháp luật về phòng, chống ma túy, hóa chất, chăn nuôi, thủy sản.
* Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua, một số doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi chứa tiền chất Formic Acid đã gặp không ít khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu dùng trong thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có thành phần Axit Formic thuộc Danh mục tiền chất IVB ban hành kèm Nghị định 57/2022/NĐ-CP quy định Danh mục chất ma túy và tiền chất.
Về phía cơ quan Hải quan thì gặp vướng mắc trong quá trình xác định mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chứa tiền chất Formic Acid và các hỗn hợp chứa tiền chất có thuộc đối tượng quản lý tiền chất theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy hay không? Nếu là đối tượng quản lý thì khi nhập khẩu phải được sự cho phép của cơ quan cấp phép nào? cần đáp ứng điều kiện gì theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy?