Gỡ vướng trong cấp sổ đỏ tại Hà Đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Đông là quận có sự biến động lớn về sử dụng đất. Với sự vào cuộc của các phòng ban chức năng, đến nay, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) lần đầu trên địa bàn quận đã đạt được kết quả khả quan.

Công tác cấp sổ đỏ lần đầu trên địa bàn quận Hà Đông đang được đẩy mạnh         (Ảnh chụp tại phường Dương Nội). 	Ảnh: Hồng Thái
Công tác cấp sổ đỏ lần đầu trên địa bàn quận Hà Đông đang được đẩy mạnh (Ảnh chụp tại phường Dương Nội). Ảnh: Hồng Thái
Biến động lớn về sử dụng đất

Theo UBND quận Hà Đông, hàng năm, quận đều ban hành các kế hoạch giao chỉ tiêu cấp sổ đỏ đến từng phường và nhiệm vụ đến từng phòng ban, đơn vị liên quan; đồng thời có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc trong công tác cấp sổ đỏ. Đến nay, trên toàn quận đã cấp được 66.524 sổ đỏ (đạt 98,58%). Cụ thể, năm 2011, quận cấp được 3.063 sổ đỏ (đạt 102% kế hoạch); năm 2012 cấp 4.149 sổ đỏ (đạt 135,7% kế hoạch); năm 2013 cấp 2.846 sổ đỏ (đạt 104,4% kế hoạch); năm 2014 cấp 11.715 sổ đỏ (đạt 150% kế hoạch). Năm 2015, tính từ đầu năm đến hết tháng 7, quận cấp được 1.160 sổ đỏ (đạt 78% kế hoạch). Các thửa còn lại chưa cấp sổ đỏ, nguyên nhân chủ yếu do các hộ dân chưa kê khai hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ xét cấp tại phường; do lấn chiếm, giao đất trái thẩm quyền, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở nhưng chưa xác định rõ thời điểm, hoặc do liên quan đến đơn thư...

Hiện nay, ở một số phường như Đồng Mai, Yên Nghĩa, Biên Giang, Phú Lương…, nhiều thửa đất ở có vườn ao với diện tích lớn, nguồn gốc đất do ông cha để lại nhưng hầu hết các hộ không có giấy tờ chứng minh theo Điều 100 Luật Đất đai 2013 nên phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đất vượt hạn mức. Có nhiều hộ phải nộp vài trăm triệu đồng tiền sử dụng đất nhưng các hộ chưa có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính và cũng không có nhu cầu ghi nợ tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, Hà Đông là quận có sự biến động lớn về sử dụng đất, hệ thống hồ sơ địa chính chưa được cập nhật thường xuyên. Hầu hết các phường đang sử dụng hệ thống bản đồ đo đạc năm 1998 và bản đồ giải thửa đo đạc theo Chỉ thị số 299 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng hệ thống hồ sơ sổ sách đi kèm như sổ mục kê, sổ địa chính, sổ đăng ký ruộng đất… một số bị rách nát.

Tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ

Với các khó khăn vướng mắc trong công tác cấp sổ đỏ như về hạn mức, nghĩa vụ tài chính, xử lý sổ đỏ do huyện Thanh Oai, huyện Hoài Đức cấp sau ngày sáp nhập về Hà Đông, quận đã có nhiều văn bản báo cáo, đề xuất, kiến nghị để được xử lý dứt điểm. Đối với các khu đất vi phạm tồn tại cũ khoảng 55ha, UBND quận đã đo đạc, tổng hợp vào kế hoạch sử dụng đất năm 2015, đề nghị UBND TP cho phép chuyển mục đích sử dụng đất các khu đất vi phạm tồn tại cũ (không thuộc quy hoạch các dự án) thành đất ở để làm cơ sở cho các hộ nộp tiền hợp thức, cấp sổ đỏ (chuyển mục đích sử dụng đất) nhưng chưa được TP phê duyệt danh mục trong kế hoạch sử dụng đất.

Lãnh đạo UBND quận Hà Đông cho biết, trong thời gian tới, quận tiếp tục đề xuất TP cho chuyển mục đích sử dụng các khu đất vi phạm (do tồn tại từ trước). Bên cạnh đó, quận tiếp tục tuyên truyền, vận động, cử cán bộ phòng chuyên môn trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn UBND các phường, công dân thực hiện công tác cấp sổ đỏ, ghi nợ tiền sử dụng đất; tập trung giải quyết và chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tranh chấp đất đai theo thẩm quyền. Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh quận Hà Đông đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, cấp sổ đỏ đối với các trường hợp đủ điều kiện.

Bà Phạm Thúy Hòa - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh quận Hà Đông cũng khẳng định, các trường hợp vướng mắc trên địa bàn quận đang được tập trung tháo gỡ, nhằm hoàn thành công tác cấp sổ đỏ lần đầu. Đây cũng là nhiệm vụ mà ngành tài nguyên môi trường và các quận, huyện quyết liệt thực hiện, nhằm quản lý tốt công tác đất đai trên địa bàn TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần