Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Góc nhìn nhà giáo: Đề nghị kiên trì tổ chức thi đánh giá năng lực

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để triển khai hình thức thi THPT quốc gia theo hướng đánh giá năng lực (ĐGNL), rất cần bộ đề thi được chuẩn hóa. Phần mềm phục vụ việc ĐGNL cũng cần hiện đại hơn và cập nhận các thành tựu công nghệ mới.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong quá trình dạy và học, việc hướng đến năng lực phẩm chất, kiểm tra ĐGNL là điều cần thiết và tất yếu. “Một trong những điểm hết sức quan trọng mà Đại học Quốc gia Hà Nội làm được đó là áp dụng cách thức thi ĐGNL đã được Bộ GD&ĐT sử dụng vào kỳ thi THPT quốc gia. Đến hôm nay, chúng tôi vẫn kiến nghị Bộ GD&ĐT kiên trì triển khai hình thức thi ĐGNL cho kỳ thi này” – PGS Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Theo ông Sơn, cho tới thời điểm này việc kiểm tra đánh giá mới chỉ là giai đoạn đầu, để đảm bảo đầy đủ và sâu sắc, còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, bộ đề thi phải được chuẩn hóa, kiểm nghiệm công phu, có độ rộng và ngân hàng câu hỏi đủ lớn. Bên cạnh đó, phần mềm phục vụ ĐGNL cũng cần hiện đại hơn và cập nhật những thành tựu công nghệ mới. PGS Sơn cũng hy vọng, trong thời gian không xa, Việt Nam sẽ có trung tâm khảo thí độc lập thực hiện đánh giá một cách thường xuyên, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, lại có những ý kiến thắc mắc việc thi kiểm tra ĐGNL trên máy tính rất phức tạp và khó khăn đối với các tỉnh vùng sâu, xa. Nhưng theo quan điểm của ông Sơn thi ĐGNL trên máy tính chỉ là một yếu tố. Về rào cản này, nếu quyết tâm biến nó trở thành một chính sách lớn thì có thể thực hiện được. Quan trọng nhất là khâu bộ đề có đáp ứng được mục tiêu đánh giá chỉ số năng lực hay không. Ngoài ra, chuẩn hóa kiểm nghiệm mới là khâu quan trọng.

Góp ý cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho rằng nên duy trì mô hình như hiện nay để ổn định là rất cần thiết nhưng khâu giám sát coi thi và chấm thi phải được tăng cường. Bộ đề thi cần có sự cân bằng về độ khó giữa các năm và phải được thử nghiệm thực sự là trình độ học sinh. Và, phải tiêu chuẩn hóa đề thi từ khảo sát, thử nghiệm đề thi cho đến mức đo khó hay dễ, chứ không phải bằng ý kiến chủ quan của người ra đề. Thực hiện được điều này, sẽ không có hiện tượng đề năm nay dễ, năm sau khó. Còn các ý kiến đề xuất chấm thi chéo, chấm ngang, chấm dọc suy cho cùng chỉ là vấn đề kỹ thuật. Nhưng rất cần có sự giám sát có hệ thống và phân nhiệm cho từng khâu, chịu trách nhiệm rõ ràng.