Tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng giảm
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đến ngày 27/6, tín dụng tăng 4,03% và tăng 9,08% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, về cơ cấu tín dụng, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%. "Tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp, bởi vậy việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá bất động sản cũng là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực bất động sản", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin.
Bên cạnh đó, sau các lần hạ lãi suất điều hành vừa qua, hiện lãi suất đã trở về mức trước đại dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước cũng là một trong số ít các ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất trong bối cảnh các nước vẫn giữ lãi suất ở mức cao (đến 15/6, trên toàn thế giới có 101 lượt tăng lãi suất).
Cùng với đó, hiện Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát thủ tục, hồ sơ để tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Về cơ cấu thời hạn trả nợ, đến nay đã có 2.800 khách hàng được cơ cấu lại các khoản vay và hiện các tổ chức tín dụng đang tiếp tục triển khai. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang xem xét và sớm thông báo tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chia sẻ về gói cho vay cho nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, theo người đứng đầu ngành ngân hàng, hiện Ngân hàng Nhà nước đã nhận được 3 công văn công bố 15 dự án của các tỉnh Bắc Giang, Trà Vinh và Tây Ninh. Trong đó có 5 dự án đã được cấp phép xây dựng. Ngoài ra, có 3 địa phương là Bình Định, Phú Thọ và Bà Rịa – Vũng Tàu đã công bố 9 dự án. Các địa phương cấp phép xây dựng các dự án cũng sẵn sàng được các tổ chức tín dụng cho vay. Đến nay đã có một số ngân hàng như BIDV, Argibank đã bắt đầu cho vay trong gói tín dụng này.
Thêm giải pháp thúc đẩy tín dụng
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, qua phân tích đánh giá thấy được tăng trưởng kinh tế quý II/2023 cải thiện, đóng góp của của khu vực thương mại và dịch vụ là quan trọng, cho thấy việc khai thác cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện cầu nước ngoài đang yếu là hướng đi đúng. Trong trung và dài hạn, để tăng cường tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế như Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra cần tiếp tục tập trung khai thác động lực này. Thống đốc nhấn mạnh, tăng tiếp cận tín dụng đang là vấn đề được quan tâm, về phía điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp.
Tuy nhiên, Thống đốc cũng kiến nghị cần có thêm các giải pháp từ phía các cơ quan, bộ ngành khác. Chẳng hạn như giải quyết đầu ra cho DN thông qua xúc tiến thương mại; khai tác thị trường trong nước; cải thiện về điều kiện tiếp cận tín dụng thông qua bảo lãnh cho các DN nhỏ và vừa; thúc đẩy đầu tư công để có sự lan tỏa đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khác… Với thị trường bất động sản, cần giải quyết vấn đề pháp lý cũng như các DN cần điều chỉnh giá của bất động sản.
Tại phiên họp của Chính phủ, một số địa phương như Bắc Giang và Cà Mau cho biết DN khó tiếp cận vốn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mong muốn lãnh đạo các địa phương chỉ đạo các Sở, ban, ngành cho biết cụ thể các DN nào không vay được vốn, ở ngân hàng nào? Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo GĐ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tổ chức họp hội nghị kết nối giữa các ngân hàng và DN, qua đó xác định rõ nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ.
Box: Theo các chuyên gia, dự báo trong các tháng cuối năm, sau nhiều đợt hạ lãi suất của các ngân hàng, sẽ là thời điểm các DN không bàn nhiều về vấn đề lãi vay quá cao nữa, mà là lo về khả năng có hồi phục nhu cầu vốn, từ nhu cầu của các thị trường vẫn chủ yếu phụ thuộc bên ngoài. Những hỗ trợ từ chính sách tài khóa, chính sách tăng lương cơ sở, giảm thuế giá trị gia tăng, theo đó được kỳ vọng góp phần kích thích tăng nhu cầu chi tiêu nội địa và phục hồi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ DN.