Sáng 16/11, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền đã báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 và việc thực hiện kiến nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại các báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp trước.
Một số bộ, ngành chậm trả lời kiến nghị của cử tri
Ông Nguyễn Đức Hiền cho biết, tại kỳ họp thứ 9, cử tri cả nước đã gửi đến Quốc hội 2.365 kiến nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc phân loại, xử lý các kiến nghị trùng lặp, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, còn 1.676 kiến nghị chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời 123/123 kiến nghị của cử tri; trong đó, đã tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật; hoạt động giám sát và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Quốc hội đã xem xét Báo cáo của Chính phủ về quy định mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và ban hành Nghị quyết về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động.
Quốc hội đã thảo luận về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, khẳng định sự cần thiết, tính đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng Cảng, đồng thời yêu cầu Chính phủ tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, phân kỳ đầu tư, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi và phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành hàng không Việt Nam, khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển của đất nước.
Sau khi xem xét, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; trong đó, yêu cầu Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Quốc hội trước khi quyết định đầu tư và hằng năm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án.
Ông Nguyễn Đức Hiền cũng cho biết, tại kỳ họp thứ 9, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã nghiên cứu, tiếp thu, trả lời 1.500/1.500 kiến nghị của cử tri.
Khối Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhận được 42 kiến nghị của cử tri và đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.
Ông Hiền cho rằng, nhìn chung, việc tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 được các bộ, ngành, các cơ quan tổ chức khác ở Trung ương thực hiện nghiêm túc, trả lời đầy đủ kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền; số kiến nghị trả lời đúng thời hạn chiếm tỷ lệ cao.
Tuy nhiên, việc trả lời kiến nghị của cử tri của một số bộ, ngành còn chậm; một số kiến nghị liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành cần được kết luận làm rõ để trả lời cử tri, nhưng chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra đã có văn bản trả lời nên cử tri tiếp tục kiến nghị.
Một số bộ, ngành chưa phân định rõ những kiến nghị phải giải quyết với những kiến nghị thông tin, giải trình cho cử tri, dẫn đến việc trả lời chung chung, không đưa ra biện pháp giải quyết hoặc trích dẫn các quy định của pháp luật, nhất là đối với các kiến nghị có nội dung liên quan đến việc xử lý các “dự án treo”, “quy hoạch treo”; các dự án đang thi công phải tạm dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết 11 năm 2011 của Chính phủ nên không được cử tri đồng tình, tiếp tục kiến nghị...
Đã giải ngân hơn 10.000 tỷ đồng từ gói 30.000 tỷ
Về kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát, từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 9, ông Nguyễn Đức Hiền cho biết, qua hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết 24 nhóm nội dung.
Một trong những nội dung cụ thể, về chính sách hỗ trợ người dân xây dựng phát triển nhà ở, Chính phủ ban hành Nghị định số 188 năm 2013 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; theo đó, Bộ Xây dựng đã ban hành 11 Thông tư hướng dẫn để tổ chức thực hiện.
Để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng nhà ở thông qua gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 61 năm 2014 sửa đổi Nghị quyết số 02; Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 32 năm 2014, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 17 năm 2014.
Việc triển khai thực hiện đã đạt kết quả tích cực, đến tháng 7/2015 tổng số tiền đã cam kết cho vay là 17.045 tỷ đồng, đã giải ngân 10.141 tỷ đồng; trong đó, đối với hộ gia đình, cá nhân, các Ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng cam kết cho vay đối với 24.150 hộ với số tiền là 11.090 tỷ đồng.
Một nội dung khác là về quản lý, kinh doanh xăng, dầu, ông Nguyễn Đức Hiền cho biết, Chính phủ ban hành Nghị định số 83 năm 2014 thay thế Nghị định 84 năm 2009 nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, kinh doanh xăng dầu; việc trích, lập và cơ chế sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu... theo đúng quy định của Luật giá.
Đồng thời, các Bộ: Tài chính, Công thương đã ban hành thông tư hướng dẫn, trong đó đã quy định rõ: nghiêm cấm sử dụng Quỹ bình ổn giá để cấp vốn kinh doanh hoặc cho các mục đích khác… Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương xem xét, quyết định theo quy định pháp luật. Các số liệu về sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Công thương và Bộ Tài chính.
“Như vậy, việc kinh doanh xăng dầu, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu đã cơ bản khắc phục những hạn chế, bất cập, nhất là về sự vận hành của hệ thống đại lý kinh doanh xăng dầu, việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu, tạo cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu được công khai, minh bạch…”, ông Nguyễn Đức Hiền cho hay.
Trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền
|