Gọi gas thời giãn cách

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khi tôi đang lúi húi nấu dở nồi canh măng, ngọn lửa yếu ớt rồi phụt tắt. Biết hết gas, tôi lẩm bẩm trách mình vì đã nhiều lần bảo thay bếp từ mà trì hoãn; để đến giờ gas hết giữa lúc TP đang thực hiện giãn cách, dịch bệnh Covid- 19 thì phức tạp, khó lường; F0 có thể ở khắp nơi…

Cơm đã chín, thức ăn đơn giản có 1 đĩa thịt rang, 1 đĩa trứng rán. Tháng ngày Covid, cả nhà tôi thống nhất ăn uống tối giản, tiết kiệm, ít đi lại và không mất công nấu nướng vất vả. Tuy chẳng có nồi canh măng cũng quáng quàng xong bữa nhưng mai không có gas thì đun nấu bằng gì! “Đằng nào cũng phải gọi gas thôi”- tôi tặc lưỡi.
Nghe vậy, cô con gái đứng gần cảnh báo: “Đang giãn cách xã hội và Covid, mẹ đừng gọi người lạ đến nhà!”. “Buộc phải gọi thôi con! Gas thiết yếu lắm”- tôi đáp.
Bấm số đại lý gas quen thuộc, hỏi có giao gas không; tôi được cô nhân viên nói: “Bên em vẫn chở gas bình thường chị ạ”. Tôi đọc số nhà, địa chỉ cụ thể cho cô nhân viên và không quên dặn: “Em nhớ nhắc người chở gas khẩu trang, bảo hộ cẩn thận giúp chị!”. Cô nhân viên nhiệt tình trả lời: “Chị yên tâm, đó là nghĩa vụ của chúng em rồi ạ”.
 Gọi gas trong giai đoạn giãn cách xã hội cũng như 1 phép thử của ý thức phòng chống dịch (ảnh minh họa)
15 phút sau, có tiếng chuông cửa. Các con tôi đang ở phòng khách, đoán là người chở gas đến nên “biết ý” chạy hết vào phòng đóng chặt cửa để…  tránh tiếp xúc, đảm bảo an toàn. Tôi đeo khẩu trang và kính chắn giọt bắn ra mở cửa. Nhìn từ xa, tôi thấy anh nhân viên giao gas tuổi trung niên cầm chai cồn xịt rửa tay hai lần, khẩu trang, đồ bảo hộ rất kỹ càng. Tôi dặn anh mang bình gas ra thẳng khu bếp tầng 1 giúp tôi. Anh rất biết ý nên không nói nhiều, chỉ “vâng- dạ” rồi mang bình ra phía sau, tự động lắp gas, thử bếp.
Khi mọi thứ hoạt động bình thường, anh cầm bình gas cũ ra xe chằng buộc lại rồi từ từ bỏ hóa đơn tiền ga ở khu chiếu nghỉ, nói tôi xem và quay ra cổng đứng chờ. Tôi kiểm tra hóa đơn, lại để tiền chỗ bậc cửa, phát tín hiệu bảo anh vào lấy. Toàn bộ quá trình đó giữa tôi và anh nhân viên đều đảm bảo giãn cách trên 2 mét. Anh lên xe về, tôi đóng cổng rồi nhanh chóng rửa tay xịt cồn nhiều lần. Không ai ho, không nói chuyện, đeo khẩu trang, bảo hộ kín nên tôi khá yên tâm. Tiếp tục đi lau sàn nhà và tay nắm cửa sạch sẽ, tôi gọi con ra phòng khách chơi còn mình làm mấy việc lặt vặt.
Vừa bước vào nhà, số điện thoại đại lý gas khi nãy gọi lại cho tôi. “Em xin hỏi thái độ phục vụ của nhân viên bên em thế nào, anh ấy có tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch không ạ?”. Đang đun dở nồi canh măng thơm phức, cộng sự hài lòng về cách phục vụ, thái độ rất biết ý của anh nhân viên, tôi liên tục nói “Tốt, tốt” và cúp máy. Tôi tự nhủ, trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, nếu nhân viên nào cũng giữ thái độ cẩn thận như anh giao gas và đại lý gas kia thì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid – 19 trong cộng đồng sẽ giảm đi rất nhiều. Và thông điệp “5K” theo yêu cầu của Bộ Y tế không chỉ áp dụng ở nơi công cộng mà trong nhiều trường hợp còn phải thực hiện triệt để ngay tại nhà.
Và rồi, bữa cơm tối đó hôm đó của cả gia đình tôi rất ngon và vui vẻ.
Bữa cơm tối của gia đình tôi giản dị, ấm áp và vững một niềm tin, Hà Nội sẽ sớm bình an trở lại!