Báo Kinh tế&Đô thị đã có buổi trao đổi với Phó trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Lê Đình Quảng về các chính sách hỗ trợ liên quan đến NLĐ.Nhiều chính sách thiết thực cho người lao độngThưa ông, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP nhằm kịp thời hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với 12 chính sách. Ông thấy các chính sách được quy định trong Nghị quyết số 68 cởi mở hơn so với Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020?- Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với đối tượng tiếp cận bao gồm người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, NLĐ, DN, hộ kinh doanh. Lần này, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP tập trung hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, có nhiều chính sách mới và đối tượng hỗ trợ được xác định tập trung hơn. Cụ thể, là chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo đó, NSDLĐ không phải đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng, toàn bộ số tiền này được NSDLĐ hỗ trợ cho NLĐ phòng, chống Covid-19. Chính sách hỗ trợ NSDLĐ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Chính sách hỗ trợ NLĐ ngừng việc với mức 1.000.000 đồng. NLĐ đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng; đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Ngoài ra còn có cách chính sách hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và NLĐ là hướng dẫn viên du lịch.Nghị quyết số 68 lần này xây dựng các chính sách hỗ trợ tập trung cho NLĐ và NSDLĐ, đồng thời có các chính sách để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp đại dịch Covid-19, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn điều đó cho thấy Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến NLĐ nói chung, giai cấp công nhân nói riêng.Trong 12 chính sách, có những chính sách trực tiếp hỗ trợ tiền mặt cho NLĐ với các mức khác nhau có góp phần giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống?- Nghị quyết số 68 được xây dựng đã rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 42, kể cả bài học thành công và thất bại, thuận lợi và khó khăn, những kết quả đạt được và chưa đạt. Bởi thực tế, quy định trong Nghị quyết số 42 (gói 62.000 tỷ đồng), khó thực hiện với NLĐ, vì thế chỉ có trên 230.000 NLĐ có hợp đồng lao động và khoảng 1 triệu NLĐ không có hợp đồng lao động được hỗ trợ từ chính sách này. Nghị quyết số 68 có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cụ thể và phù hợp với tình hình tế. Thể hiện rõ ở chính sách NLĐ bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng được hỗ trợ 1.855.000 đồng/người, từ 1 tháng trở lên là 3.710.000 đồng/người. NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ mức 3.710.000 đồng/người. NLĐ ngừng việc được hỗ trợ 1.000.000 đồng...Không chỉ thế, trong Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg vừa được ban hành ngày 7/7/2021 đưa ra tiêu chí và điều kiện thuận lợi để NLĐ và NSDLĐ dễ dàng tiếp cận. Thậm chí, chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp áp dụng được ngay tức khắc; NSDLĐ không phải thực hiện thêm thủ tục hành chính nào. Với chính sách này, Tổng Liên đoàn dự kiến có khoảng gần 11 triệu NLĐ được thụ hưởng với số tiền trên 3.500 tỷ đồng. Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với tiêu chí mới dự kiến sẽ có khoảng 1,5 triệu lao động được hỗ trợ với trên 11.000 tỷ đồng. Trong khi với chính sách này tại Nghị quyết số 42 chỉ có 192.000 NLĐ được hưởng số tiền trên 786 tỷ đồng. Chúng tôi cũng rất mừng kỳ vọng, chính sách NSDLĐ được vay vốn để phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh, trả lương ngừng việc với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp, giúp DN nhanh được tiếp cậnDoanh nghiệp nên đặt hàng đào tạo cho người lao độngÔng có nhận định gì về chính sách hỗ trợ NSDLĐ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề để duy trì việc làm cho NLĐ trong Nghị quyết số 68?- Đây là chính sách mới, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ để duy trì việc làm cho NLĐ cũng như hỗ trợ NSDLĐ trong quá trình cơ cấu lại đầu tư, đổi mới công nghệ, quản trị, thích ứng với môi trường trong nước và quốc tế sau đại dịch Covid-19. Chính sách này nâng mức hỗ trợ tối đa từ 1.000.000 đồng/người/tháng lên 1.500.000 đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa trong 6 tháng.Chính sách này chính là cú hých cho DN vượt qua khó khăn khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Vì thế, các DN phải có đề án và nội dung đào tạo xuất phát từ nhu cầu phát triển của đơn vị và mong muốn của NLĐ. Quan trọng là hệ thống, nội dung đào tạo thế nào cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của NSDLĐ, nếu không thì rất lãng phí. Thứ nữa, đào tạo phải có địa chỉ, dù được nhà trường hỗ trợ nhưng DN cũng phải nghĩ đến đào tạo nội dung để nâng cao trình độ tay nghề, chuyển đổi việc làm bền vững cho NLĐ. Đối với chính sách này, rất cần các DN, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sự phối kết hợp với nhau chặt chẽ, đặt hàng đào tạo mới phát huy được hiệu quả.Nghị quyết số 68 nêu rõ đối tượng NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động được giao cho địa phương chủ động, căn cứ khả năng, điều kiện để xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, dư luận xã hội băn khoăn về việc lao động tự do là những người làm công việc gì?- Lao động không có giao kết hợp đồng lao động có 2 loại. Loại thứ nhất là NLĐ làm việc cho NSDLĐ theo thỏa thuận có trả công, trả lương nhưng không giao kết hợp đồng lao động. Ví dụ như nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thuê NLĐ làm việc nhưng không ký hợp đồng lao động. Loại thứ hai là lao động tự làm việc không có chủ sử dụng lao động như xe ôm, người thu mua ve chai, người bán hàng rong... mà theo Bộ luật Lao động gọi là “người làm việc không có quan hệ lao động” và đương nhiên cũng không có hợp đồng lao động. NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động hiện có số lượng rất lớn, là đối tượng bị tác động và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Bên cạnh đó, đa số những người này lại không tham gia lưới an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội nên rất cần được hỗ trợ.Với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động thì chính quyền địa phương cơ sở là người nắm rõ và sát nhất, nên Nghị quyết số 68 giao cho địa phương chủ động là đúng; và người đứng đầu cấp xã, phường phải chịu trách nhiệm về danh sách đề xuất. Tuy nhiên để thực hiện chính sách này, yêu cầu tất cả các hệ thống chính trị vào cuộc để cùng nhau rà soát, xét duyệt. Về một số đối tượng đặc thù, địa phương tùy tình hình để xử lý.Điều quan trọng để thực hiện chính sách này chính là sự tham gia tích cực, ngay từ đầu của cả hệ thống chính trị, từ cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, vai trò giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của cộng đồng dân cư sẽ góp phần quan trọng đảm bảo thực thi chính sách công khai, dân chủ, minh bạch, có như thế thì Nghị quyết 68 mới đi vào cuộc sống.Xin cảm ơn ông!
"Điều quan trọng để thực hiện chính sách này chính là sự tham gia tích cực, ngay từ đầu của cả hệ thống chính trị, từ cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, vai trò giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của cộng đồng dân cư sẽ góp phần quan trọng đảm bảo thực thi chính sách công khai, dân chủ, minh bạch, có như thế thì Nghị quyết 68 mới đi vào cuộc sống." - Phó Trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Lê Đình Quảng |