Gói hỗ trợ 46.000 tỷ đồng: Không hạ chuẩn, doanh nghiệp khó tiếp cận?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tiếp thêm vốn giá rẻ vào thị trường trong thời điểm hiện tại góp phần hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh đang trên đà vực dậy và giúp khách hàng bắt nhịp với điều kiện “bình thường mới”. Dù vậy, việc triển khai cần bứt tốc để chính sách đi vào cuộc sống.

Hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng  
Hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng  

DN ngóng gói lãi suất từng ngày

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng để chủ động phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển bền vững, thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới. Trong đó, gói hỗ trợ kinh tế từ tài khóa là 291.000 tỷ đồng và tiền tệ là khoảng 46.000 tỷ đồng.

Cụ thể, ngành ngân hàng sẽ tham gia vào 2 cấu phần chính. Thứ nhất, thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, Chính phủ sẽ thực hiện hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng cho một số ngành, lực vực quan trọng, các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua; Thứ hai, tiếp tục giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1% trong 2 năm 2022 và 2021; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Giám đốc Công ty CP in ấn Tú Anh Nguyễn Anh Tú có trụ sở tại làng nghề Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, dịch Covid-19 kéo dài khiến DN phải xoay xở để tồn tại do đó ông đặc biệt quan tâm đến gói hỗ trợ lãi suất lần này và đang chờ xem có thuộc diện được ưu đãi hay không. Trong khi đó, chị Thu Nga - giám đốc một công ty xây dựng tại Hà Nội cho biết, đang có dư nợ khoảng 4 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại với lãi suất 9%/năm. Mức lãi suất này được ngân hàng áp dụng từ đầu năm đến nay và chưa từng được điều chỉnh giảm. "Tôi có liên hệ hỏi về việc giảm lãi vay do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng ngân hàng nói chỉ áp dụng lãi suất ưu đãi với các khoản vay mới" - chị Nga nói.

Chờ thông tư hướng dẫn

Theo các chuyên gia với trên 40.000 tỷ đồng “vốn mồi”, trong 2 năm, lượng tín dụng ưu đãi chảy ra thị trường có thể lên tới 2 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế thời điểm hiện tại. Đây là một con số rất lớn. Các chuyên gia đều đưa ra quan điểm, gói tín dụng hỗ trợ cần thực hiện nhanh, bứt tốc để đi vào cuộc sống.

Trong thời gian qua, các ngân hàng đã hô hào kéo giảm lãi suất huy động, cắt giảm lợi nhuận… để có thể kéo giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng nhưng đến nay lãi suất cho vay khó có thể giảm sâu được hơn nữa. Theo phản ánh của các DN, thường lãi suất thấp trong giai đoạn đầu 3-6-9 hoặc 12 tháng, sau đó điều chỉnh theo thị trường. Mức lãi suất cho vay sau thời gian ưu đãi được tính bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ 3,5 - 4%/năm và hầu hết đều không thấp hơn 10%/năm.

Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng đề xuất căn cứ hiệu quả hoạt động, năng lực quản trị rủi ro, NHNN nên cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được chủ động về quy mô tăng trưởng tín dụng hằng năm. Năm 2022, Vietcombank phấn đấu tăng trưởng tín dụng 12% so với năm 2021 để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Trong khi đó, ở một số ngân hàng thương mại cổ phần khẳng định, nếu cơ chế không rõ ràng, ngân hàng không dám cho vay và DN không thể tiếp cận khoản vay. “Ngân hàng luôn xác định đồng hành với DN, vì DN khỏe thì ngân hàng mới khỏe. Tuy nhiên, nếu như chính sách không rõ ràng, ngân hàng không dám cho vay, bởi rất ngại trách nhiệm”- lãnh đạo một ngân hàng cổ phần bày tỏ.

Tránh để có tiền mà không cho vay được

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng, gói hỗ trợ lãi suất quy mô khá lớn, song có tiền chưa chắc cho vay được. “Không hạ chuẩn cho vay thì DN làm sao vay được? Còn với ngân hàng, nếu như bây giờ cho vay, vài năm sau nợ xấu xảy ra thì ai chịu trách nhiệm? Xử lý trích lập dự phòng rủi ro sẽ ảnh hưởng như thế nào đến an toàn, đến hệ số tín nhiệm?... Đó là các vấn đề mà ngân hàng tâm tư nhất” - ông Hùng nói.

Đại diện một số DN kiến nghị cơ quan chức năng cần cải cách các thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của nhà sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, Nhà nước cần tạo thuận lợi cho các ngân hàng có nguồn cung tín dụng, đáp ứng được nhu cầu của gói hỗ trợ lãi suất. “Đơn cử như với DN du lịch, nếu ngành ngân hàng vẫn giữ quan điểm chỉ cho vay với những công ty có tài sản thế chấp, làm ăn hiệu quả thì DN chẳng thể nào tiếp cận được gói hỗ trợ này. Như vậy, để gói hỗ trợ 2% lãi suất đi vào thực tế thì cần có quy định chi tiết, cụ thể, phù hợp với từng đối tượng.

“Chẳng hạn, với những công ty hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, khi muốn vay vốn ngân hàng chắc chắn không có gì để cầm cố, vì vậy cần có chính sách riêng như dựa vào báo cáo thuế, số lượng nhân sự, có bao nhiêu hợp đồng trong thời gian tới, giá trị hợp đồng ra sao... để cho vay” – Giám đốc một DN du lịch góp ý.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, lãi suất hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhưng tiền cho vay là tiền huy động của các tổ chức tín dụng, từ người dân cho vay. Vì vậy, NHNN sẽ điều tiết làm sao để tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, có nguồn cung tín dụng, đáp ứng được nhu cầu của gói này. Ngoài ra, nhà điều hành chính sách tiền tệ cũng sẽ phối hợp với bộ, ngành liên quan để tập trung đối tượng, trọng tâm trọng điểm, khắc phục hạn chế của các gói hỗ trợ trước.

Đại diện NHNN thông tin thêm năm 2022, cơ quan này vẫn giữ chủ trương hạ lãi suất nhưng trên cơ sở các ngân hàng thương mại phải tiết kiệm chi phí hoạt động, chia sẻ lợi nhuận trong điều kiện khó khăn hiện nay. Đồng thời, NHNN cũng tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Bởi đây là giải pháp quan trọng để DN không bị chuyển nhóm nợ xấu, có thể tiếp cận được dòng vốn, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

 

Chính phủ, Quốc hội giao cho ngành ngân hàng triển khai gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% cho DN. Đáng chú ý, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đóng vai trò chủ chốt. Chính phủ sẽ có nghị quyết để triển khai gói cho vay hỗ trợ lãi suất và NHNN đang soạn thảo thông tư hướng dẫn chi tiết.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

 

 

Nếu chỉ trông chờ vào sự hồi phục tự nhiên thì với sức khỏe của DN hiện nay là rất khó khăn, cho nên Nhà nước phải đóng vai trò “bà đỡ”. Việc hỗ trợ lãi suất cần phải được thông qua một cơ chế và điều kiện vay dễ dàng hơn để các DN có thể tiếp cận được vốn. Chỉ khi nào gỡ được khó khăn này mới phát huy được hết ý nghĩa của việc ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất cho DN thông qua tổ chức trung gian là ngân hàng.

TS Trần Du Lịch

 

 

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, Bộ Tài chính nên là cơ quan phê duyệt đối tượng DN nào được cấp bù lãi suất. Bởi Bộ Tài chính rất hiểu “sức khỏe” của DN thông qua tình hình nộp thuế. Khi Bộ Tài chính gửi danh sách DN, nếu đủ điều kiện ngân hàng mới dám mạnh dạn cho vay và như vậy cũng tránh được lo ngại “sân trước - sân sau”, đúng địa chỉ.

TS Lê Xuân Nghĩa

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần