Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gói hoa cúng Hà Nội - Một góc nhìn khác

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

 Kinhtedothi - Trên kênh SCTV12 đang phát Phim tài liệu dài kỳ “Ký sự Hà Nội”. Trong đó, tập “Hoa gói Hà Nội” nói về tập tục dâng hoa cúng lễ của người Hà Nội gốc.

Hình ảnh hoa nhài được đưa lên bàn thờ trong phim tài liệu “Hoa gói Hà Nội” đang bị chỉ trích là thiếu hiểu biết về nép thanh lịch của người Hà Nội. Ảnh chụp màn hình.
Hình ảnh hoa nhài được đưa lên bàn thờ trong phim tài liệu “Hoa gói Hà Nội” đang bị chỉ trích là thiếu hiểu biết về nép thanh lịch của người Hà Nội. Ảnh chụp màn hình.

Đáng chú ý, trong tập phim này có đề cập người Hà Nội thường đưa hoa nhài lên ban thờ. Điều này đã để lại rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Liệu thực tế hoa nhài có mặt trên bàn thờ của người Hà Nội gốc không?

Nét đẹp Hà Nội xưa

Phim tài liệu dài kỳ “Ký sự Hà Nội” là một chương trình hay về đề tài Hà Nội, giúp người xem hiểu sâu hơn về phong tục, tập quán và văn hóa đất Kinh thành Thăng Long. Nói về hoa cúng, bất cứ người Hà Nội gốc nào cũng đến nhớ đến câu thơ: “Ngày rằm đi chợ mua hoa/ Phải chờ đến gánh Ngọc Hà mới mua” .

Người làng Ngọc Hà rất tự hào vì đĩa hoa cúng là đặc sản riêng của họ mà không nơi nào có. Mùa nào hoa nấy. Mỗi loại một bông thôi mà thơm ngào ngạt, tinh khiết vô cùng. Hoa cúng của người Hà Nội khá đa dạng, nào là hoa thiên lý xanh ngọc, hoa ngâu lấm tấm vàng, hoa mẫu đơn, hoa mồng gà đỏ rực, hoa móng rồng vàng tươi... điểm thêm vài nhành hoa bưởi hay những bông huệ trắng muốt.

Gói hoa cúng của người Ngọc Hà. Ảnh: TA
Gói hoa cúng của người Ngọc Hà. Ảnh: TA

Đúng như Nguyễn Anh Vũ đã viết: “Hoa cúng Hà Nội là đặc trưng theo mùa. Mùa nào hoa nấy. Ngày trước bà vẫn dặn, quan trọng nhất là hoa phải tươi và có hương thơm. Các cụ xưa thường xem trọng hương thơm thanh nhã và giàu ý nghĩa mà trân trọng dâng cúng tổ tiên. Người cõi xa nhận tấm lòng của người nơi này qua mùi hương hoa. Cháu con ở đây vẫn nhớ lời ông bà dặn. Ngày Tết, dâng đĩa hoa lên ban thờ, vái bà mà đỏ hoe mắt, nhớ gói hoa bà giao cho cầm toòng teeng trên ngón tay thơ ấu”.

Đến ngày tuần hay dịp lễ, Tết, các bà, mẹ thường mua hoa đĩa về thắp hương ông bà, tổ tiên. Hoa theo mùa thường có 5-7 loại, chỉ cắt ngắn lấy đầu bông, được gói khẽ khàng trong chiếc lá dong bồ tát, buộc cọng lạt hình chữ thập rồi lại xỏ một vòng nữa, tết thành cái quai để xách. Đây là nét đẹp tao nhã, đời thường của người Hà Nội xưa được lưu truyền đến nay. 

Hoa nhài có tên trên bàn thờ?

Trong “Ký sự Hà Nội” tập “Hoa gói Hà Nội” phát sóng lúc 12 giờ 30 phút trưa ngày 31/1/2023, phóng viên đã phỏng vấn gia đình bà Cẩm và cô con dâu tên là Thu Phương ở số nhà số 8 phố Hội Vũ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với tư cách là “người Hà Nội gốc”. Các nhân vật nói trên chia sẻ trong gói hoa Tết về bày để dâng lên ban thờ của nhà và mang cả ra chùa dâng lên Phật nhất thiết phải có hoa nhài (?!!).

Bác Nguyễn Văn Ất chia sẻ: “ Xem đến đây quả thật tôi không thể không “há hốc mồm”!  Theo tôi biết và chắc nhiều người biết hoa nhài từ xưa đến nay không ai bày lên bàn thờ vì hoa nhài gắn với câu chuyện dân gian về trai gái, vì hoa nhài nở về ban đêm nên dân gian thậm chí gọi hoa nhài là “hoa con đĩ” nên không ai bày hoa nhài ở nơi thờ cúng linh thiêng!

 

Gói hoa cúng

Hoa nhài hay còn được gọi là Mạt lợi; Mạt lị  là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền. Hoa cũng được sử dụng để làm nước hoa và pha trà hay để làm thơm thức ăn nhưng tuyệt nhiên không ai đem lên bàn thờ bao giờ, đó là sự thật. 

Trong cuốn “Thú ăn chơi của người Hà Nội” nhà văn Băng Sơn viết: "Đĩa hoa cúng thường có nhiều loại hoa, những bông hoa rời đặt lên cái đĩa nhỏ, khô, sạch. Có thể là bông huệ trắng muốt thơm ngát, một bông ngọc lan thơm nồng, một nhánh hoàng lan mềm mại, hương phảng phất. Cũng có khi có nhánh hoa sói, một bông cúc bán khai, một đóa hoa thược dược, một nhánh cúc bách nhật khô cứng, đôi khi vào mùa ít hoa, còn thấy có cả một bông hoa mào gà nữa…”. Tuyệt nhiên không hề có hoa nhài.

Ông Nguyễn Anh Vũ chia sẻ: “Việc lựa chọn hoa cúng có những niêm luật chẳng thành văn nhưng rất sâu xa mà giờ đây chỉ còn rất ít các bà, cô có nghề hàng hoa thuở ấy là còn giữ được. Hoa được lựa chọn phải đáp ứng đủ các tiêu chí: đẹp, bền, thơm, sắc và thanh khiết. Tuyệt đối không dung nạp thêm các loại hoa dại hay các loại hoa có sự tích không tốt như: hoa phù dung, hoa nhài hoặc tên gọi không hay như: hoa dâm bụt, hoặc hoa được trồng nhiều ở đền chùa để các vong linh trú ngụ như: hoa đại... Hoa cúng thơm cho tới lúc úa khô hết chỉ việc rời đĩa hoa đi, không lúc nào gây nên mùi khó chịu trên ban thờ. Ấy là chạm tới ngưỡng thoát tục.

Hoa nhài không được thờ cúng như trong phim. Ảnh chụp màn hình.
Hoa nhài không được thờ cúng như trong phim. Ảnh chụp màn hình.

Trên một đĩa hoa cúng bắt buộc phải có một vài loại hoa lấy hương tùy theo mùa. Hoa hoàng lan cánh thon dài xoăn cong như lưu hương nồng, vàng hoặc vàng ánh xanh, chỉ có từ tháng 4 đến mùa Thu, tháng 10 Âm lịch. Hoa ngọc lan cánh trắng thon nuột, mùi hương nhẹ nhàng kín đáo hơn hoàng lan. Ngọc lan có hai loại màu trắng và vàng. Giống ngọc lan vàng giờ ôi chao là hiếm. 100 cây may dễ có một cây. Hai loài hoa lan này đặc biệt được người Hà Nội yêu chuộng.

Và Tết ra đến hết tháng Ba là hương thơm tinh khôi hoa bưởi. Ấy là mùi thơm xác tín của mùa xuân. Hoa ngâu vàng nhỏ li ti, mỹ hương mỹ cốt cách. Phải chăng hoa chỉ nở vào tháng Bảy tháng Tám Âm lịch, mùa mưa ngâu, mà gọi hoa ngâu?! Hoa thiên lý cũng chỉ thấy vào Thu. Thiên lý từng chùm màu xanh ánh vàng, thơm mộc mạc như cô thôn nữ xưa thắt lưng xanh màu hoa Lý. Có lẽ thiên lý là loài ngát đẹp nhất trong đĩa hoa. Hoa móng rồng thì quý hiếm quá. Chắc chỉ sau hoa trứng gà. Hoa xòe như giẻ quạt và nở từ tháng Tư đến tháng Mười một Âm.

Hoa nguyệt quế có lá giống lá ngâu nhưng hoa màu trắng nhỏ gần giống hoa cam. Nguyệt quế bền và thơm, nở quanh năm. Nhưng hình như xưa chưa thấy nguyệt quế, chỉ thời sau này mới được dùng thì phải. Còn hoa sói thì nở quanh năm, nên trên đĩa hoa cúng gần như lúc nào cũng góp hương sắc”.

Hà Nội, nếp xưa nay đã đổi thay

Thực tình ngày nay, việc cúng hoa của người Hà Nội cũng đã có những thay đổi những đĩa hoa, mẹt hoa trình bày khéo hơn xưa. “Đó là những đĩa hoa được lựa chọn tuân theo số của nhà Phật. Một bông sen hồng hay trắng biểu thị cho Chân Như "thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Ba bông sen là ba kiếp quá khứ - hiện tại - tương lai. Bốn bông là Tứ diệu đế. Năm bông là ngũ giới. Sáu bông là lục thức, lục trần, lục dục. Tám bông là bát chính đạo. Chín bông là vũ trụ bao la nhưng vẫn trong bàn tay của Phật.

Gánh hàng hoa của các mẹ, các chị làng Ngọc Hà. Ảnh: TT
Gánh hàng hoa của các mẹ, các chị làng Ngọc Hà. Ảnh: TT

Tuỳ từng loại hoa, số lượng hoa, nghệ nhân hoa sẽ sắp đặt một mạn đà la mang hình ảnh của vũ trụ. Vòng tròn đó chính là Chân Như kim cương bất biến, tượng trưng cho tấm lòng chân thành của con người với chư Phật, tổ tiên. Nghệ nhân hoa thời đại 4.0 chụp những “sét lễ” và “sét hoa đĩa” để khách hàng lựa chọn.

Tất cả hoa được dâng đều là những loài hoa truyền thống của Hà Nội. Người yêu nét đẹp xưa chỉ hy vọng sẽ được nối dài thêm bởi những người yêu hoa, yêu nếp xưa Hà Nội. Hoa gói vốn là một nét văn hóa thanh nhã của người Hà Nội một thời đã mai một ít nhiều. (trích lời bình của Nguyễn Anh Vũ).

Gói hoa cúng có thể có nhiều hay ít tùy theo nhu cầu, theo mùa, tuy nhiên, số hoa cúng nhất định phải là số lẻ. Trong gói hoa cúng vào tháng Bảy âm lịch không thể thiếu những bông hoàng lan cánh dài mà nhiều người gọi là lan tây.