Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gợi lại để nhớ một thời

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người Hà Nội hay nhắc về thời bao cấp như một cách gợi lại quá khứ. Những cửa hàng ăn uống trưng bày các hiện vật, hay bán theo kiểu mậu dịch đang xuất hiện và dần hình thành một phong cách bài trí ẩm thực khiến người đi qua thời xưa bớt nhớ, du khách và lớp trẻ tò mò.

Ăn, uống hoài niệm

Trải nghiệm không gian ẩm thực như thời những năm 80 của thế kỷ trước khi tiền mua bánh cuốn Thanh Trì, bánh đúc nóng phường Bưởi… được đổi thành tem phiếu; giữa của trung tâm thương mại ồn ào Aeon Mall (Long Biên). Người ta ví Ngon phố (Aeon Mall) với không gian ẩm thực thời bao cấp như một chợ quê ẩm thực ồn ào, nhộn nhịp giữa một phố thị đông đúc của Hà Nội.
 
Người Việt trẻ đến Ngon phố để được trải nghiệm miền quán xá xưa cũ nơi Tràng An thanh lịch. Người lớn tuổi tới đây để tìm lại cái cảm giác của một quá khứ thân thương chưa xa. Du khách nước ngoài tới để thỏa mãn đam mê khám phá một nền văn hóa mới lạ đầy màu sắc. Bà chủ của Ngon phố - Phạm Bích Hạnh thuộc thế hệ 7X, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thấu hiểu rõ những thăng trầm của Hà Nội từ thời bao cấp đến mấy chục năm đổi mới. Chính vì vậy, Ngon phố bố trí thành những “tổ dân cư” đặc trưng như bất kỳ khu phố nào của Hà Nội. Thực khách có thể bắt gặp những tấm biển chỉ đường gắn trên cột điện, chiếc loa phóng thanh gắn giữa búi dây điện như mạng nhện, những cổng chào quen thuộc… của Thủ đô 30 năm trước.

Ngon phố không phải là không gian ẩm thực bao cấp đầu tiên và duy nhất của Hà Nội. Dạo quanh các con phố trung tâm, người ta có thể thấy cà phê Cộng, cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37 An Dương, 81 Xuân Diệu… mang phong cách đó. Ở đó người ta tái hiện cái thời của tem phiếu, sổ gạo, của cơm độn khoai, quạt tai voi, xe đạp Phượng Hoàng... Hầu hết các cửa hàng này không phải tồn tại từ thời bao cấp, mà chỉ là đồ vật đó được giữ lại từ thời này qua thời khác giờ đơn giản là trang trí, bày biện và thổi vào căn nhà đó, bức tường đó, bàn ghế đó, và cả những món đồ ăn cái hồn của ngày xưa.

Những cửa hàng này không chỉ bán cơm, canh, dưa cà, đậu phụ... nó còn bán luôn cả kí ức, cả hoài niệm từ rất lâu rồi cho những ai muốn mua mà chưa biết tìm ở đâu, cho những ai muốn sống thử những ngày bao cấp vốn chỉ nghe qua lời kể từ trước tới giờ. Kinh doanh kiểu bao cấp trở thành một xu hướng bày trí ẩm thực cũng giống bao xu hướng bày trí khác nhưng được người Hà Nội đón nhận để hoài niệm và cũng là để tò mò.

Khổ nhưng mang chất thơ

PGS.TS Nguyễn Văn Huy – nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, người khởi đầu cho xu hướng hoài niệm thời bao cấp bằng triển lãm “Hà Nội thời bao cấp” cách đây đúng 10 năm vẫn còn nhớ cái khoảnh khắc ngỡ ngàng khi dòng người xếp hàng dài hàng kilomet để vào tham quan triển lãm. Triển lãm dự tính tổ chức trong 6 tháng nhưng lại phải kéo dài thành một năm.
 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, ai cũng hiểu thời bao cấp mọi người đều phải bươn chải vất vả, khi nhìn lại không ai muốn quay trở lại thời đó để sống. Nhưng rõ ràng bên cạnh những khắc nghiệt thời bao cấp trong mỗi con người đều có những ký ức đẹp và nhận ra chất thơ ở trong đó. “Người Việt Nam không giống người Đông Âu là đoạn tuyệt hoàn toàn với giai đoạn lịch sử mà họ cho là khó khăn. Người Việt không đoạn tuyệt với quá khứ, họ luôn muốn giữ lại những kỷ niệm, những thứ thuộc về ký ức” – PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết.

Trên thực tế, trước khi triển lãm Hà Nội thời bao cấp ở Bảo tàng Dân tộc học được mở ra, giai đoạn lịch sử này là một khoảng trống mà ít người nhắc đến. Bởi vì, người ta ngại đụng chạm. Thế nhưng, đúng vào dịp tổng kết 20 năm đổi mới (2006), Bảo tàng dân tộc học Việt Nam đã lý giải những câu chuyện của trước đổi mới. Họ để hiện vật và nhân vật kể câu chuyện thời bao cấp một cách chân thực, không mang tính bình luận, phê phán; chính điều này nên đến ngày nay triển lãm vẫn được nhắc đến. Ngoài ra, dòng chảy thời bao cấp vẫn được khai thác ở các khía cạnh khác nhau, có khi là trong triển lãm, hoặc trong lĩnh vực bày trí kinh doanh.

Đồng tình với quan điểm của PGS.TS Nguyễn Văn Huy trong việc lý giải tại sao đến nay đề tài về thời bao cấp vẫn hấp dẫn đến vậy, nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cho biết: “Nước ta trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khó khăn, nhưng thời kỳ bao cấp luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Theo tôi, điều này một phần bởi tính thời điểm. Thời bao cấp không quá xa, đủ để những ký ức về nó chưa phai mờ. Vì thế, những câu chuyện, những ký ức được trao truyền qua các thế hệ. Và, thế hệ đã trải qua nó đang chiếm phần đông trong xã hội và họ cũng sẽ không quên những tháng ngày gian khó của đời mình. Thêm nữa, do thời gian không quá xa, nên thời bao cấp còn nhiều hiện vật để minh chứng sự hiện diện. Đây cũng là nguyên nhân khách quan khiến thời kỳ này nhận được sự quan tâm hơn nhiều thời kỳ Pháp thuộc, hay những ngày kháng chiến chống Pháp...”.

Đối với người Hà Nội, thời bao cấp luôn được lưu giữ lại trong ký ức của một thời khốn khó, vừa gần lại vừa xa. Chính vì vậy, bất kỳ sự kiện, hiện vật, không gian nào liên quan đến thời bao cấp vẫn được cả người trẻ và người lớn tuổi đón nhận, như một thời kỳ cả Hà Nội xếp hàng đi xem thời bao cấp cách đây 10 năm.