Sàn xi măng là vở, phấn là gạch non
Trong những ngày tháng 8 lịch sử, tham quan trưng bày “Chắp cánh ước mơ” do Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức, ông Trần Khắc Cần - cựu tù nhân cách mạng Nhà tù Hòa Lò được sống lại với những kỷ niệm năm xưa. Với ông, những kỷ niệm khi trở thành giáo viên dạy học trong nhà tù với sàn xi măng là vở, phấn là gạch non, than bếp vẫn in đậm trong tâm trí. “Hoạt động dạy học trong nhà tù bị quản ngục của chế độ thực dân cấm triệt để. Nhưng trong tù có nhiều bộ đội, nông dân bị bắt chưa biết chữ. Do đó, chúng tôi làm nhiệm vụ dạy học cho họ. Tài liệu được giấu ở chân tường, thậm chí để trong hộp sắt, bọc nilon, dòng dây thả xuống thùng phân được kéo lên để phục vụ việc học. Cai tù phát hiện sẽ phạt rất nặng, chúng không phạt ngay mà sẽ chọn vào những ngày lễ lớn. Nhưng trong hoàn cảnh đó, những người tù vẫn âm thầm chuẩn bị cho mình hành trang tri thức” – ông Trần Khắc Cần cho biết.
Bên cạnh những lớp học được tổ chức sau song sắt như tại Nhà tù Hỏa Lò, nhiều lớp học đặc biệt khác cũng hình thành như “trường học giữa núi rừng” ở Nhà tù Sơn La, “trường học giữa biển khơi” ở Nhà tù Côn Đảo, “trường học trên cát” tại Trại giam tù binh Phú Quốc. Tất cả những lớp học ngày ấy đã góp phần cổ vũ tinh thần, biến nhà tù thành trường học, tôi luyện lý tưởng cho các chiến sĩ cách mạng. Trong hồi ký “Sóng Côn Đảo”, Lê Quang Vịnh viết: “Bọn cai ngục xét phòng liên miên, mỗi lần chúng lại lấy đi giấy, bút, sách vở… để anh em không thể tiếp tục học và dạy thêm được nữa. Bị chúng lấy dần lấy mòn hết cả dụng cụ học tập, anh em đành học tiếp bằng cách dùng một mẩu san hô viết ngay trên sàn nhà của phòng gian. Bọn chúng cũng thu luôn và cấm không cho đem san hô vào phòng. Anh em lén lút lấy cát về phòng và tập viết, tập làm toán trên cát”.
Xây đắp những ước mơ
Đến với trưng bày “Chắp cánh ước mơ”, người xem sẽ ngạc nhiên trước hình ảnh của các lớp học đặc biệt với tường cao, song sắt lạnh lẽo; những lớp học với nhà tranh, mái lá đơn sơ hay lớp học trong không gian bệnh viện. Bên cạnh đó, những tài liệu, hiện vật của các chiến sĩ cách mạng từng học tập trong tù và trong quá trình đấu tranh cách mạng sau khi được trả tự do cũng được giới thiệu đến đông đảo công chúng như: Sách của đồng chí Trần Hữu Thỏa (Nguyễn Tiến Hà) sử dụng để dạy học trong thời gian bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò, năm 1951 - 1952; Bi đông của đồng chí Nguyễn Văn Chiển, thầy giáo lớp học trên cát tại Trại giam Phú Quốc được cấp sau khi trao trả ở bãi Nhan Biều bên bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, ngày 26/3/1973; Thẻ số tù - Nhà tù T.Ư Hà Nội (Nhà tù Hỏa Lò) cấp cho đồng chí Dương Tự Minh, học sinh kháng chiến bị thực dân Pháp bắt, giam trong Nhà tù Hỏa Lò, năm 1952 – 1953.
Đặc biệt, tại đây còn trưng bày những bức tranh của các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư, với mong muốn thắp lên niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng, thể hiện tinh thần lạc quan, ước muốn chiến thắng bệnh tật hiểm nghèo. Qua những câu chuyện được thể hiện, thế hệ trẻ ngày nay sẽ phần nào hiểu được sự hy sinh của thế hệ cha anh, những người luôn khát khao học tập, kiên cường chiến đấu để bảo vệ, dựng xây đất nước cũng như dành sự trân trọng, biết ơn công lao của các thầy cô giáo - những người mài ngọc cho đời và tiếp thêm động lực, niềm tin về tương lai cho các thế hệ học sinh.
"Chắp cánh ước mơ" là một câu chuyện dài trong lịch sử. Chúng ta không chỉ giữ gìn truyền thống hiếu học mà còn phải đầu tư cho thế hệ tương lai. Chữ viết, trí tuệ là nền tảng để phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân và cả tập thể. Phó trưởng Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Đặng Văn Biểu |