Gợi ý 10 ngọn núi ở ngoại thành Hà Nội cho kỳ nghỉ 30/4, 1/5,

Bài và ảnh: Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội sở hữu thêm nhiều ngọn núi cao, đẹp, lý tưởng cho những chuyến dã ngoại cuối tuần hay kỳ nghỉ ngắn ngày như dịp 30/4, 1/5 năm nay.

1. Núi Ba Vì

Núi Ba Vì có Vườn quốc gia Ba Vì thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội là một điểm đến cho những ai thích phong cảnh và đồng quê. Nên đi xe máy để tận hưởng một cuộc phưu lưu tự do. Bạn phóng xe máy lên đến đỉnh của núi Ba Vì, leo núi lên đền Thượng và đền thờ Bác Hồ, trên đường xuống ghé thăm Nhà Thờ đổ và ngắm cảm nhận hương vị thanh khiết của núi rừng.

2. Núi Trầm

Núi Trầm thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km. Để tới được đây, bạn lái xe theo quốc lộ 6 hướng đi Hòa Bình, tới thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ sẽ có biển báo rẽ phải vào chùa Trầm. Đi theo con đường nhỏ ấy tới chân núi, gửi xe tại đây và bắt đầu leo núi.

Núi Trầm không quá cao nhưng có khung cảnh đẹp, những tảng đá lớn hình thù sinh động, là địa điểm thích hợp cho những buổi cắm trại ngắn mà không phải đi xa.

3. Núi Hàm Lợn

Núi Hàm Lợn thuộc dãy Độc Tôn, Sóc Sơn, Hà Nội cao 462m, là đỉnh núi cao nhất Hà Nội được mệnh danh là “nóc nhà Thủ đô”. Núi Hàm Lợn có phong cảnh đẹp, địa hình đa dạng. Từ lâu trở thành địa điểm tham quan, cắm trại cuối tuần hấp dẫn của nhiều bạn trẻ.

4. Núi Sái

Núi Sái ở thôn Thụy Lôi , xã Thụỵ Lâm, huyện Đông Anh, còn có tên là núi Quy Mẹ, một ngọn trong “thất diệu” gồm 7 quả núi thấp như 7 con rùa nằm ở vùng giáp ranh 2 huyện Đông Anh và Yên Phong. Trên núi có đền thờ Huyền Thiên, gọi là đền Sái, tương truyền vị thần này xưa giúp An Dương Vương trấn áp lũ ma gà, xây nên thành Cổ Loa.

5. Núi Tiên Lữ

Núi Tiên Lữ  hay còn gọi là núi Mã ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cao 50m. Trên núi có chùa Trăm Gian nằm giữa những cây trám cổ thụ. Đặc biệt ở đây còn nhiều gốc thông già vài trăm năm tuổi xòe tán rộng che mát cả ngọn núi. Đây là không gian lý tưởng cho những ai muốn đắm mình trong không gian thanh tịnh, an yên.

6. Núi Sài Sơn

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km có núi Sài Sơn, thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Ở chân núi Sài Sơn có quần thể du lịch Chùa Thầy nổi tiếng. Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Đây là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh.

7. Núi Sóc

Núi Sóc thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cao 308m - còn gọi là núi Mã, núi Đền, núi Vệ Linh. Nơi đây được gọi là mảnh đất địa linh nhân kiết, tương truyền là chỗ Thánh Gióng sau khi đánh tan giặc Ân đã cưỡi ngựa sắt bay về trời. Ca dao có câu: Sóc Sơn là ngọn núi nào/Có ông Thánh Gióng bay vào trời xanh.

8. Núi Thanh Tước

Ở xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội có ngọn núi mang tên Thanh Tước, cao 59 m. Đây là nơi quận Hẻo Nguyễn Danh Phương đã lập tiền đồn chống chúa Trịnh. Tại vùng này còn lưu truyền câu: “Ba làng Kẻ Đám (Đạm Nội, xã Tiền Châu )/Tám làng Kẻ He (Xuân Phương, xã Phúc Thắng) không đánh nổi quận què ở núi Thanh Tước".

9. Núi Câu Lậu

Tọa lạc ở xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, núi Câu Lậu, trên núi có chùa Tây Phương, ngôi chùa nổi tiếng với những pho tượng Phật được tạo tác từ thế kỷ XVIII hết sức tinh xảo. Cạnh núi này còn có những quả núi đất như núi Lôi Âm, núi Nứa.

10. Núi Hương Sơn

Hương Sơn có trên 15 động và chùa nổi tiếng, diện tích tự nhiên trên 3.000 ha. Vào động Hương Tích, nhìn xuống lòng động, ta thấy ở dưới là hai lũng đã được nối liền với nhau và vách núi đá cũ đã thành một núi đá vôi sót lại. Đây cũng là nơi nức tiếng trong và ngoài nước với lễ hội chùa Hương kéo dài từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần