Từ năm ngoái, Đức đã đề ra chiến lược riêng cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, song song với chiến lược chung của EU cho khu vực này. Trong chiến lược riêng nói trên, phía Đức đã đề cập đến khả năng tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Đông Bắc Á và Biển Đông. Đề nghị của Nhật Bản bao hàm mong muốn Đức đưa tàu chiến đến tuần dương biển khu vực này để góp phần đảm bảo tự do hàng hải và thực thi luật pháp quốc tế cũng như tập trận hải quân chung. Thực chất, chủ ý của Nhật Bản và cả của Mỹ là thuyết phục, vận động các nước thuộc khối Phương Tây tăng cường hiện diện quân sự trực tiếp ở khu vực này cũng như tăng cường hoạt động quân sự chung.
Một trong những mục tiêu hàng đầu của chủ định này là đối phó Trung Quốc và Triều Tiên ở vùng biển Đông Bắc Á và khu vực Biển Đông. Xưa nay, các nước thuộc khối Phương Tây, cho dù nghi ngại đến mấy những mưu tính chiến lược lâu dài và hành động cụ thể của Trung Quốc, thường chỉ thể hiện thái độ chính trị chứ kiềm chế việc hiện diện quân sự trực tiếp ở khu vực, lại càng không tham gia tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản. Australia là thành viên đầu tiên của khối này nhập cuộc với Mỹ và Nhật Bản.Đề nghị nói trên của Nhật Bản thể hiện cách tiếp cận rất thận trọng và chắc chắn để thật sự có tính khả thi trên thực tế. Trong thực chất, đây mới chỉ là một gợi ý về liên thủ cùng ứng phó Trung Quốc và Triều Tiên, một lời mời bên ngoài tham gia gây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Phía Nhật Bản biết rằng nước Đức hiện chưa thể bập vào đề nghị này nhưng về chính trị thế giới và khu vực thì đây là chuyện "lời mời cao hơn mâm cỗ".