Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gốm Việt đương đại: Rất gần đời sống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 1.000 sản phẩm gốm đang được trưng bày trong triển lãm “Gốm Việt đương đại” tại Dolphin Plaza (28 Trần Bình, Hà Nội) cho thấy tư duy độc đáo và mới mẻ của các nghệ nhân gốm đương đại.

Đẹp và tiện ích

Đúng như bà Nguyễn Giáng Vân - đại diện Ban Tổ chức chia sẻ: “Các nghệ sĩ bằng tất cả tình yêu với gốm và tài năng, sự sáng tạo của mình đã đem lại cho gốm một sức biểu hiện độc đáo”. Không phải tất cả các nghệ nhân gốm Việt đều có mặt trong cuộc trưng bày này, song những sản phẩm hội tụ tại triển lãm cũng “khoe” được gần hết nét đẹp của gốm Việt hiện đại.

 
Triển lãm thu hút nhiều người tới tham quan, tìm hiểu.
Triển lãm thu hút nhiều người tới tham quan, tìm hiểu.
Những nét vẽ độc đáo trên gạch men nặng lửa của họa sĩ Lan Hương thực sự thu hút ánh nhìn của công chúng. Nhiều năm thiết kế, tạo mẫu cho các dòng gạch men tại Hương Canh (Vĩnh Phúc), chị đã rất tinh tế khi chọn chất liệu này cho dòng tranh gốm nghệ thuật. Số người tìm mua tranh của chị kể từ triển lãm lần đầu tiên (năm 2007) đến nay chính là lời khẳng định cho sự lựa chọn của chị. Rồi không thể không nói tới nghệ nhân trẻ Nguyễn Hồng Quang (làng gốm Hương Canh) với ý tưởng “Muốn khoác cho gốm Hương Canh một chiếc áo mới”. Anh là một ví dụ về nỗ lực làm đẹp cho từng loại gốm ứng dụng, từ tạo hình hiện đại cho dòng sản phẩm thông thường đến việc mang đến cho các dòng gốm này những cách biểu đạt thẩm mỹ. Các sản phẩm khai sinh từ bàn tay anh vẫn là chất liệu truyền thống của đất gốm Hương Canh, nhưng lại có nét tạo hình hiện đại mang dấu ấn cá nhân. Bởi như anh chia sẻ: “Tôi muốn sản phẩm gốm Hương Canh không chỉ là gốm dân dụng mà còn là sản phẩm mỹ thuật, trang trí”. Mong muốn ấy đã hiện diện trên gốm kiến trúc, gốm trang trí nội, ngoại thất ở lò gốm Quang, song anh vẫn đang nuôi ý tưởng làm ra dòng gốm sạch, hướng tới bảo vệ môi trường. Dòng sản phẩm gốm “hand made” của Artus Boutique cũng thu hút công chúng vì kiểu dáng “điệu” và lạ. Đáng nói là sản phẩm được làm 100% từ các nguyên liệu thiên nhiên và thân thiện với môi trường. Người của Artus Boutique “khoe” các sản phẩm đều đã “xuất ngoại” sang Nhật Bản, Pháp…, vượt qua những bài kiểm tra về VSATTP… Chỉ vậy thôi đã đủ thấy, gốm Việt đương đại không chỉ nặng về thẩm mỹ, mà còn rất gần với đời sống, rất giàu tính ứng dụng.

Tìm đường…

Ngắm rất kỹ các sản phẩm trưng bày, bà Nguyễn Thanh Mai (Mỹ Đình, Hà Nội) – một người rất yêu và hiểu “ngôn ngữ” của gốm Việt chia sẻ: “Gốm ở đây mới lạ và thiên về ứng dụng, nhiều sản phẩm không kém gì gốm Hàn và Nhật. Tôi trân trọng gốm Việt, đó là một sản phẩm độc đáo của văn hóa Việt. Tôi thường chọn gốm làm quà tặng các bạn nước ngoài, vì chỉ cần nhìn qua là họ đã biết đó là hàng Việt, do người Việt tạo nên và đậm đà nét văn hóa truyền thống Việt”. Cũng vì thế mà rất nhiều “chủ lò” gốm trẻ đã tính đến các bước để đưa gốm truyền thống hòa nhịp với cuộc sống đương đại.

Như Nguyễn Tuấn Vũ mang dòng sản phẩm sứ của làng Bát Tràng đến giới thiệu tại triển lãm chia sẻ, sản phẩm đương đại nhất thiết phải gần gũi với con người và lối sinh hoạt hôm nay. Trong nền sản xuất hàng hóa, người làm gốm sứ có thể học theo nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau, nhưng giá trị truyền thống vẫn luôn chảy trong huyết mạch mỗi người dân làng nghề. Sản xuất theo các xu hướng khác sẽ giúp người làm gốm sứ học được thêm những kỹ thuật mới, rồi đưa vào cho hòa nhịp với thẩm mỹ truyền thống. “Sự tiếp thu ấy sẽ va đập với truyền thống văn hóa dân tộc, tạo hướng đi mới cho làng nghề” – Vũ khẳng định. Hiểu rất rõ “tính nết” của gốm và sứ nên hiện tại, Vũ đang khám phá và học hỏi để hiện thực hóa ý tưởng “hội nhập” thời đại của mình. Còn Nguyễn Hồng Quang thì cho biết: “Hiện, tôi đang phối hợp cùng Sài Gòn Tourist để tìm đầu ra cho gốm Hương Canh. Tuy nhiên, để gìn giữ và phát triển tinh hoa gốm Hương Canh, một mình tôi không thể làm được. Chúng tôi rất cần sự quan tâm của Nhà nước về mặt bằng cơ sở sản xuất, những nguồn vốn ưu đãi và cần những người thực sự có tâm huyết với gốm Hương Canh”.