Thông báo hoãn tổ chức đám cưới của cô dâu Đỗ Phương đến bạn bè, người thân do dịch Covid-19. |
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, trên cả nước đã có nhiều ổ dịch xuất phát điểm từ các lễ cưới, đám hiếu tập trung đông người. Rút kinh nghiệm từ thực tế trên, khi dịch bệnh xảy ra, cùng với việc dừng tổ chức lễ hội, việc thực hiện nếp sống văn minh trong đám cưới, đám hiếu càng trở nên có ý nghĩa. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của đông đảo người dân trên địa bàn việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ cưới, đám tang ngày càng có chuyển biến rõ rệt.Vừa qua, cô dâu Nguyễn Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) dự định tổ chức đám cưới cùng chồng là Đức Thọ ngày 8/5. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, 2 gia đình đã tạm dừng tổ chức lễ cưới. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chị Nguyễn Phương chia sẻ: “Nghe tin dịch Covid-19 bùng phát trở lại, 2 vợ chồng đều rất lo ngại vì sắp đến ngày cưới. Nhưng sau khi bàn bạc, 2 vợ chồng đã quyết định xin phép bố mẹ hoãn tổ chức lễ cưới. Sau một đêm, gia đình nội ngoại đều đồng ý, động viên chúng tôi đừng buồn, chờ đợi hết dịch rồi tổ chức. Những nơi làm dịch vụ, tổ chức sự kiện cũng tạo điều kiện, họ giữ lại số tiền đặt cọc và sẽ tổ chức vào thời điểm thích hợp. Tôi đã suy nghĩ nhiều và mong muốn rằng, đám cưới là dịp chung vui, để mọi người gặp lại nhau và hàn huyên câu chuyện, nên hãy để dịp đó thật trọn vẹn. Mọi người không chỉ vui trong đám cưới của mình mà còn phải mạnh khỏe nữa”.Chủ động phòng dịchTừ khi UBND TP yêu cầu tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, cơ sở, ngành, địa phương trên địa bàn TP thường xuyên giám sát, nhắc nhở, vận động các gia đình nghiêm túc chấp hành quy định phòng chống dịch, trong đó. Ngày 3/5, Sở VH&TT Hà Nội đã có Văn bản số 1905/SVHTT-NSVH đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã vận động Nhân dân cưới báo hỷ hoặc hoãn tổ chức tiệc cưới; tang văn minh không tổ chức đoàn viếng đông người, rút ngắn thời gian tổ chức, yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh. Theo tinh thần đó, nhiều gia đình đã lùi thời gian tổ chức cưới, chỉ tổ chức báo hỷ hoặc liên hoan trong nội tộc. Nhiều đám rước dâu cũng giảm số lượng khách mời, người đưa đón. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám: “Thời gian qua, để phòng, chống dịch Covid-19, huyện Đông Anh đã vận động dừng tổ chức hoãn, hủy được 50 đám cưới; thu gọn tổ chức quy mô nội bộ gia đình 41 đám cưới. Trên địa bàn huyện có 4 đám tang, được tổ chức hỏa táng trong ngày, đảm bảo công tác phòng chống dịch”.Mặt khác, ở những nơi phục vụ tổ chức lễ tang, ban phục vụ lễ tang đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội đã có thông báo đề nghị cán bộ, nhân viên và gia đình tang chủ thực hiện thông điệp 5K; khi thực hiên ký hợp đồng tang lễ chỉ cử từ 1 - 2 người đại diện gia đình vào ký; các đám tang chỉ tổ chức trong vòng 1 giờ; không đi vòng quanh linh cữu khi viếng và truy điệu; cán bộ, nhân viên có trách nhiệm nhắc nhở và hướng dẫn người dân thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi vào viếng, ký hợp đồng, lên xe ô tô; bảo vệ tại các khu vực nghiêm túc thực hiện việc đo thân nhiệt và ghi sổ thông tin người ra vào. Ngày 6/5, gia đình anh Vũ Thanh Tùng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có đám tang tổ chức tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng còn phân công người trực phía bên ngoài, hướng dẫn chia nhỏ lượng người vào viếng. Trước khi vào viếng, mỗi người đều được mời sát khuẩn tay, ai không có khẩu trang sẽ được phát.Hà Nội và cả nước đang trong giai đoạn gồng mình chống dịch Covid-19. Thực hiện việc cưới, việc tang văn minh trong thời điểm hiện nay không chỉ góp phần ngăn chặn dịch bệnh, mà còn làm thay đổi nhận thức, ý thức của người dân, giảm những thủ tục rườm rà, lạc hậu, giảm quy mô các đám cưới, đám tang, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh trong người dân Thủ đô.