Google có lạc lối khi đi tiếp "giấc mơ" VR?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi CEO Apple Tim Cook giới thiệu kính Vision Pro hồi tháng 6 với những lời có cánh như "sản phẩm mới mang tính cách mạng", bên trong Google là một sự thất vọng bao trùm.

Nỗ lực của Google khi phát triển VR

Để lôi kéo người dùng, Google cố gắng quay lại đường đua "thực tế hỗn hợp" bằng sản phẩm mới trong nhiều năm. Ví dụ như Google Glass, nỗ lực đầu tiên của hãng về thiết bị thực tế tăng cường (AR), đã thất bại. Các sản phẩm sau này của Google cũng xuất hiện mờ nhạt.

Dù vậy, Google vẫn không từ bỏ giấc mơ VR khi thành lập một nhóm mới để tiếp tục tham vọng vào năm 2020.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dự án nội bộ "Project Iris" ra đời. Google cũng mua lại công ty khởi nghiệp North và Raxium để củng cố nỗ lực, nhưng phải đối mặt nhiều rào cản kỹ thuật trong việc biến tầm nhìn thành sản phẩm khả thi.

Tuy nhiên, đến đầu năm nay, Google đã khai tử Iris và chuyển sang một mẫu kính thực tế ảo hợp tác với Samsung, tên mã "Project Moohan". Đầu tháng 8, SBS Biz của Hàn Quốc đưa tin Samsung đã hoãn kế hoạch kính VR vì lo ngại không đủ cạnh tranh với sản phẩm của Apple.

Khủng hoảng nội bộ

Trong suốt quãng thời gian phát triển sản phẩm VR, Google không ít lần lục đục nội bộ. Đến tháng 1/2023, khi sa thải 12.000 nhân viên, Google tuyên bố đóng cửa một số dự án, trong đó có Iris và dự án chip tùy chỉnh đang nghiên cứu. 

Vài tuần sau, Clay Bavor, giám đốc AR và VR của Google khi đó, thông báo nghỉ việc sau 18 năm gắn bó công ty. Quyết định này khiến nhóm AR rơi vào "trạng thái hỗn loạn". Một số người ở lại nói: "Thật khó thuyết phục mọi người khi bản thân công ty cần một chip tùy chỉnh cho thiết bị mới. Họ bắt tay vào làm rồi lại nhanh chóng ném nó đi".

Từ đây, có thể thấy thách thức lớn nhất mà Google gặp phải đó là giữ chân các nhân tài ở lại và đồng hành với công ty. Họ là những người mà công ty đã mất hàng năm trời và hàng triệu USD mới mời về được. 

Mark Lucovsky, được Google mời về dẫn dắt dự án Iris, cũng mới thông báo sẽ nghỉ việc. "Những thay đổi gần đây trong vai trò lãnh đạo AR cũng như cam kết, tầm nhìn không ổn định của Google là nguyên nhân khiến tôi rời đi", Lucovsky nói với Business Insider.

Eddie Chung, giám đốc sản phẩm cấp cao từng làm việc trong sự án Iris, cũng ra đi vào tháng 2, theo hồ sơ nội bộ của Google. Kurt Akeley, cựu CTO của công ty khởi nghiệp hình ảnh Lytro - được Google mua lại năm 2018 với giá 40 triệu USD, đã nghỉ hưu vào năm ngoái.

Trong khi Google đang đau đầu với VR và nhân sự thì Apple và Meta đang mạnh tay đầu tư cho thực tế tăng cường. Công ty mẹ của Facebook đã chi gần 14 tỷ USD năm 2022 cho Reality Labs để phát triển sản phẩm thực AR/VR. Apple chi hơn một tỷ USD mỗi năm để phát triển Vision Pro.

Nhìn vào đối thủ, các nhân viên và cựu thành viên của Google bày tỏ sự thất vọng khi công ty không đưa ra hành động tương tự và để mất vị thế dẫn đầu. Một số tin rằng việc Google giảm chi tiêu vào năm ngoái và tập trung vào AI đã khiến giấc mơ VR bị bỏ rơi.