Trong đó, về định hướng phát triển không gian đô thị theo mô hình TOD (lấy giao thông công cộng làm cơ sở phát triển) nhiều ý kiến cho rằng cần chú trọng xem xét kỹ để có thể thực hiện hiệu quả.
Lời giải cho những đô thị lớn
GS.TS Hoàng Văn Cường – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, TP Hà Nội hiện có rất nhiều khu đô thị xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, những khu đô thị phát triển mở rộng nhưng không mang lại hiệu quả trong khai thác đất đai, còn tình trạng bỏ hoang... Nguyên nhân là do không có một hệ thống giao thông đồng bộ. Trong khi đó, TOD thực chất là phát triển đô thị dựa trên cơ sở của hệ thống giao thông dẫn dắt, tức là phát triển giao thông sẽ dẫn dắt đến điều kiện để tạo ra phát triển đô thị. TOD chính là tạo ra một quần thể đô thị có khả năng đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người dân tại điểm đó. Như vậy, rõ ràng mô hình này sẽ tạo ra hiệu quả rất cao cho đầu tư hạ tầng, sử dụng đất đai và đặc biệt là tạo ra không gian phát triển cũng như môi trường sống cho người dân ở vùng đó.
“Phát triển đô thị phải gắn liền với hiệu quả, tạo ra việc làm, tạo ra dịch vụ… đồng bộ và TOD là mô hình giải quyết được vấn đề đó. Những vùng đô thị phát triển, những TP lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh phải phát triển theo mô hình TOD thì mới giải quyết được những vấn đề của đô thị hiện nay như: giao thông không đồng bộ, chỗ ở không có các khu dịch vụ, không có hạ tầng, không có việc làm…” - GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Mô hình TOD (viết tắt của Transit Oriented Development) là mô hình phát triển đô thị theo định hướng kết nối giao thông công cộng. Mô hình TOD đã phổ biến toàn cầu, đặc biệt là các dự án tái thiết đô thị sau Thế chiến II. Tại châu Á, Nhật Bản là nước có nhiều TP đã triển khai mô hình này sớm hơn cả. Nhiều TP lớn của Nhật Bản gần như xây dựng mới lại từ đầu sau chiến tranh đã lấy ga đường sắt ngoại ô, đường sắt đô thị làm hạt nhân phát triển đô thị. Hà Nội đang lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây sẽ là cơ hội tốt để TP học hỏi kinh nghiệm phát triển đô thị theo mô hình TOD để cải tạo cảnh quan đô thị, “tái cấu trúc đô thị” dọc theo hành lang của các tuyến giao thông khối lượng lớn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Chính Trực - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, đơn vị lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội tới năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho biết, đồ án ngoài nghiên cứu đề xuất về định hướng phát triển không gian đô thị nói chung trên địa bàn TP cũng đã đề xuất các nội dung về TOD. Trong đó, định hướng phát triển TOD theo từng khu vực cụ thể, nội đô lịch sử là khu vực hạn chế phát triển TOD nhằm bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa.
Khu vực này không phát triển TOD có tính chất thiên về nhà ở, hạn chế cao tầng, ưu tiên phát triển không gian ngầm, các điểm TOD sẽ theo tiêu chí tái thiết, cải thiện điều kiện cảnh quan, môi trường. Một số vị trí có tiềm năng phát triển TOD như nhà ga, cơ quan di chuyển, khu tập thể cũ. Đối với khu vực nội đô mở rộng với các tuyến đường sắt đô thị dự kiến hình thành: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8 với mật độ dày tạo điều kiện hình thành mạng lưới, các chuỗi TOD. Khu vực này sẽ phát triển các TOD lớn cấp đô thị, với mật độ, tầng cao lớn tùy theo từng vị trí và tính chất. Đảm bảo về phân bổ dân số, khả năng đáp ứng hạ tầng xã hội. Tổ chức không gian TOD hiện đại, gắn với phát triển bền vững, giải quyết về phương thức trung chuyển, bãi đỗ xe.
Tại các khu vực phát triển mới như Đông Vành đai 4, Bắc sông Hồng, tiềm năng còn nhiều quỹ đất có thể phát triển hiện đại đồng bộ, giảm áp lực dân số cho khu nội đô sẽ phát triển hệ thống TOD cấp đô thị, khu vực và TOD đơn vị ở. Hình thành các trung tâm TOD tạo sức hút mang tính chất chiến lược, động lực cho sự phát triển mới. Phát triển các TOD có quy mô lớn, đồng bộ, hình thành các trung tâm đô thị mới, khu nhà ở mới, kéo giãn đô thị ra bên ngoài.
Để mô hình TOD được khả thi
TS Nguyễn Quang - Nguyên Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp quốc (UN-Habitat) nhận định, Hà Nội đặt vấn đề phát triển đô thị theo TOD là cần thiết, cấp thiết song để mô hình này có thể triển khai thành công, TP cần gắn kết nhu cầu sử dụng giao thông tuyến với các khu trung tâm (dịch vụ, việc làm) và hướng tuyến ít bị chia cắt bởi các đường cắt ngang. Theo đánh giá, trục đại lộ Thăng Long và tuyến đường Lê Văn Lương (nếu mở rộng) có thể đáp ứng được tiêu chí này.
Trong khi đó, PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội khuyến nghị, đối với các đề xuất mới trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, TP cần nghiên cứu kỹ mô hình TOD. Đặc biệt, phân loại các TOD quyết định tới phát triển hệ thống trung tâm TP và khu vực đô thị. Trong đó cần chú ý tới các TOD đặc biệt, dựa trên các điểm trung chuyển quy mô lớn, có tính chất đối ngoại. Các TP sân bay phù hợp với mô hình TOD đặc biệt, tiềm năng trở thành trung tâm mới của Hà Nội, hoàn thành mô hình đô thị đa trung tâm. TOD đô thị nằm trên các trục chính đường sắt đô thị, điểm trung chuyển của các tuyến chính nội đô sẽ trở thành trung tâm khu vực đô thị (quận).
Bên cạnh đó, phân bổ các TOD khu vực cần chú ý tới các thị trấn du lịch, sinh thái làng nghề phía Tây Hà Nội, trong hành lang xanh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nơi đây, tăng cường kết nối chặt chẽ với khu vực trung tâm, giảm bớt chênh lệch giữa đô thị và nông thôn. Ngoài ra, PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Mai cũng cho rằng, tăng cường phát triển giao thông công cộng, mô hình TOD, không thể thiếu quy hoạch các phương tiện trung chuyển hành khách từ nhà ga tới các khu vực lân cận. Có như vậy, tính hiệu quả của mô hình TOD, mục tiêu phát triển bền vững mới thực sự được phát huy.
Cùng góp ý về nội dung TOD trong bản điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, TS Phạm Hoài Chung lưu ý, số lượng vị trí TOD đề xuất tại mỗi tuyến là khá lớn và chi tiết, tuy nhiên chỉ nên đề xuất chi tiết các vị trí TOD quan trọng (cấp đặc biệt) và định hướng các vị trí TOD khác theo các tiêu chí nhằm đảm bảo nguồn lực và linh hoạt trong đầu tư, nhất là trong bối cảnh hầu hết các tuyến đường sắt đô thị đều chưa triển khai xây dựng nên việc đề xuất cụ thể vị trí các TOD là chưa khả thi.
Phát triển giao thông công cộng, TOD sẽ thành công nếu đồng thời với công tác tổ chức hợp lý giao thông đi lại trong đô thị. Việc giảm phương tiện cơ giới cá nhân đặc biệt là ô tô con là cần thiết, để giải quyết vấn đề tắc nghẽn, hạ tầng quá tải đi vào khu vực trung tâm. Cần hạn chế giao thông cá nhân từ Vành đai 3, bố trí các bãi xe tại đây, nơi có sẵn không gian quy hoạch. Khu vực Vành đai 1, 2 chỉ dành riêng cho hoạt động giao thông công cộng, đi bộ, xe đạp. Xe máy giai đoạn đầu cũng xem như phương tiện trung chuyển phù hợp từ nhà ga tới công trình, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông khu vực nội đô, tuy nhiên phải đảm bảo sử dụng nhiên liệu sạch.
PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch,
Đại học Xây dựng Hà Nội