GS.TSKH Đặng Hùng Võ:

Góp quyền sử dụng đất - chủ trương mới của Nghị quyết 18-NQ/TW

Thương Huế ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chúng ta cần hiểu rõ, trong chủ trương liên quan đến thuế đất là có tăng có giảm chứ không phải chỉ có tăng, tăng ở đâu giảm ở đâu chúng ta phải phân biệt rõ để thấy được chủ trương đúng đắn của Nghị quyết ...

Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao", tôi cho rằng có nhiều điểm mới chứ không gói gọn ở 8 hay 5 điểm mà một số phương tiện truyền thông đã chỉ ra.

Góp quyền sử dụng đất - chủ trương mới của Nghị quyết 18-NQ/TW - Ảnh 1

Và có những điểm tưởng là mới nhưng nó thật sự không mới, đó là việc đánh thuế cao đối với người nhiều nhà đất. Chủ trương này đã có từ Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá XI nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa thực hiện được nên lại tiếp tục đưa vào Nghị Quyết 18 Khoá XIII. Việc tăng thuế này chúng ta cần hiểu là tăng thuế đối với người nhiều nhà đất để ngăn chặn đầu cơ, gây lãng phí đất đai.

Còn trong Nghị quyết cũng chỉ rõ là sẽ giảm thuế đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, khu vực người dân đảm đương nhiệm vụ quan trọng về an ninh lương thực, bảo vệ rừng.

Chúng ta cần hiểu rõ, trong chủ trương liên quan đến thuế đất là có tăng có giảm chứ không phải chỉ có tăng, tăng ở đâu giảm ở đâu chúng ta phải phân biệt rõ để thấy được chủ trương đúng đắn của Nghị quyết về việc tạo sự ổn định và phát triển bền vững trong vấn đề đất đai.

Nghị quyết 18 có một điểm tôi cho là mới nhất , đó là cơ chế góp quyền sử dụng đất (góp đất), điều chỉnh lại đất đai đối với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn. Tôi cho rằng có đến 95% người dân Việt Nam chưa hiểu thế nào là “góp đất”, chưa hiểu cơ chế “góp đất” điều chỉnh Luật Đất đai, có nhiều bài báo viết về việc này nhưng đều viết chưa đúng.

Cơ chế “góp đất” thực ra là cơ chế chuyển dịch đất đai, ví dụ ở một địa phương muốn xây dựng khu đô thị mới hoặc khu dân cư nông thôn mà khu đó vốn là đất nông nghiệp; hoặc địa phương đó có khu cư dân rồi nhưng nó đã cũ nay muốn nâng cấp chỉnh trang khang trang hơn. Việc góp đất là thể hiện sự tôn trọng người có đất ở đây.

Người có đất sẽ có một suất đất trong khu đô thị hoặc khu dân cư này. Song thay bằng việc mua thì sẽ góp đất tương ứng, vì khi đầu tư xây khu dân cư hay khu đô thị thì rõ ràng giá đất ở đây sẽ tăng nhiều lần nên việc chuyển đổi sẽ được tính tương ứng.

Tôi lấy ví dụ thế này, thay bằng trả tiền đền bù như chúng ta đang làm thì một sào đất nông nghiệp của người dân trong diện có thể được đổi thành 36m2 đất trong khu đô thị.

Phần đất dôi dư mà người dân góp – chuyển đổi vào này sẽ dùng sử dụng chung cho các công trình hạ tầng hoặc Nhà nước, chủ đâu tư có thể bán để lấy tiền xây dựng, cải tạo chỉnh trang đô thị nông thôn này. Đó gọi là góp đất. Đây là cơ chế tạo tính năng động, chủ động cho phát triển, chỉnh trang Khu đô thị, Khu dân cư nông thôn; là yếu tố rất mới của Nghị Quyết, lấy đất tại chỗ để phát triển khu dân cư, khu đô thị nông thôn.

Chúng ta cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về chủ trương này của Nghị quyết 18, bởi nó sẽ tránh được khó khăn, phức tạp trong giải phóng mặt bằng cho phát triển khu đô thị , khu dân cư nông thôn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần