Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Góp ý Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi): Sửa theo hướng tiếp lửa cho thanh niên

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi). Tuy nhiên, hầu hết ý kiến cho rằng, thiết kế Dự Luật chưa đạt yêu cầu, chưa khắc phục được hạn chế của Luật hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Ảnh: Trọng Đức
Không có nét riêng biệt
Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) được Bộ Nội vụ soạn thảo, sửa đổi một số nội dung trên nền tảng Luật Thanh niên ban hành 14 năm trước (năm 2005). Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, mục đích của việc xây dựng luật lần này là thể chế hóa, hoàn thiện cơ sở pháp lý, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên.

Dự Luật xây dựng trên cơ sở 7 nhóm chính sách áp dụng đối với thanh niên (người từ 16 -30 tuổi), trong đó có nội dung quy định về đối thoại với thanh niên (Thủ tướng phải chủ trì đối thoại với thanh niên mỗi năm một lần), Tháng Thanh niên và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách phát triển thanh niên…

Thẳng thắn góp ý vào Dự Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét: “Tôi có kỳ vọng lớn vào Dự thảo Luật này nhưng đọc xong nội dung thì thấy chưa thỏa mãn. Nói về thanh niên, có một câu hát cứ vang vọng mãi là “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” nhưng đối chiếu với Dự Luật thì sự thể hiện nghĩa vụ rất ít mà chỉ thấy những đòi hỏi Tổ quốc phải cho mình nhiều quá”.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Dự Luật dẫn chiếu nhiều văn bản, quy định nhưng nếu chỉ cần thay từ “thanh niên” bằng từ “công dân”, có thể áp dụng cho bất cứ đối tượng nào trong xã hội, không có nét riêng biệt.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng phân tích, nếu Dự Luật này quy định chính sách đặc thù cho thanh niên là không hợp lý, bởi thanh niên chính là nhóm người có nhiều lợi thế, có tuổi trẻ, có sức khỏe ở giai đoạn tốt nhất của cuộc đời. Hơn nữa, các quy định sẽ chồng chéo lên các luật khác.

Chưa khắc phục được hạn chế

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước về thanh niên, Dự Luật quy định Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thanh niên, là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về thanh niên. Đây cũng là điểm mà nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn. Các ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước về thanh niện hiện không rõ ràng, do không có Bộ nào có chức năng quản lý Nhà nước về thanh niên nên "bắt" Bộ Nội vụ làm thôi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, hiện nay, T.Ư Đoàn cũng có trụ sở, nhà cửa, tài sản như một bộ, nhưng lại không có chức năng quản lý Nhà nước, không chế tài được ai. "Để làm được điều này cần chủ trương lớn, nhưng tổ chức Đoàn cũng cần suy nghĩ, đề xuất về mô hình, phương pháp tổ chức phù hợp với tình hình mới" - Chủ tịch Quốc hội gợi ý.

Góp ý vào các quy định của Dự Luật, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Dự Luật hiện tại không những không khắc phục được hạn chế tại Luật hiện hành mà còn làm trầm trọng hơn tình trạng đó. Những chính sách được thiết kế, quy định thiếu tính đặc thù. "Ví dụ như quy định thanh niên được quyền chăm sóc sức khỏe thì mọi người dân cũng đều có quyền được chăm sóc sức khỏe chứ đâu có riêng gì thanh niên”- Chủ tịch Quốc hội nhận xét. Đồng thời cho rằng, những vấn đề về quyền và nghĩa vụ của thanh niên đã được quy định khá đầy đủ trong các luật chuyên ngành, nên cần cách tiếp cận mới hơn, tránh trùng lặp.