Báo Kinh tế và Đô thị đã có bài “Ngã ngửa với “bẫy bảo hiểm” trong các chuyến xe công nghệ Grab, Be” phản ánh về việc nhiều khách hàng không hề biết mình phải trả một khoản gọi là bảo hiểm chuyến đi khi sử dụng gọi xe Grab, Be. Các ứng dụng tự mặc định chế độ khách đồng ý tham gia bảo hiểm; mức phí và điều khoản bảo hiểm cụ thể được ẩn vào vị trí khó thấy trên các tác vụ gọi xe.
Trao đổi với PV Báo Kinh tế và Đô thị về vấn đề này, Luật sư Hà Huy Phong- Công ty Luật Inteco cho biết, theo quy định tại Điều 14, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì tổ chức, cá nhân được phép cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng bao gồm: doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; Đại lý bảo hiểm; Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
“Tôi chưa rõ thông tin các đơn vị gọi xe đang bán bảo hiểm theo hình thức môi giới hay đại lý và các đơn vị đó có chức năng kinh doanh những lĩnh vực này hay không. Đối với hoạt động môi giới bảo hiểm, một trong các nguyên tắc luật định quan trọng là “Trung thực, khách quan, minh bạch; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan”. Với việc cài cắm, che khuất thông tin, sử dụng biện pháp kĩ thuật để lừa dối, che dấu khách hàng, buộc khách hàng rơi vào thế vô tình mua bảo hiểm là không đảm bảo nguyên tắc về trung thực, minh bạch”- ông Phong cho biết. Với vấn đề này, rõ ràng là có cơ sở để cho rằng, các ứng dụng xe chưa có sự tuân thủ pháp luật một cách đầy đủ và nghiêm minh. Việc các ứng dụng gọi xe mập mờ thu phí bảo hiểm đã vi phạm nguyên tắc về trung thực, minh bạch.
Tuy nhiên, đại diện Công ty Luật Inteco cũng cho rằng, để kết luận về hành vi lừa dối khách hàng thì cần xem xét trên nhiều yếu tố khác, trong đó có hành vi của khách hàng xác minh đồng ý và trực tiếp thao tác thanh toán tiền mua bảo hiểm. Bất kỳ hợp đồng nào cũng phải được kí kết và thực hiện trên nguyên tắc trung thực, bình đẳng, tự do thoả thuận. “Trường hợp ứng dụng gọi xe sử dụng công nghệ để ép buộc hoặc lừa dối khách hàng mua bảo hiểm, nhằm móc túi khách hàng thì các giao dịch này có nguy cơ bị vô hiệu, không được pháp luật công nhận”- ông Phong nhấn mạnh.
Trước đó, Báo Kinh tế và Đô thị đã có bài phản ánh tình trạng Grab và Be hợp tác với các doanh nghiệp bảo hiểm mặc định thu phí bảo hiểm chuyến đi mà khách hàng không hay biết hoặc đồng ý. Theo đó, hợp đồng bảo hiểm tai nạn cá nhân Ride Cover được phân phối bởi Grab Việt Nam và được thẩm định bởi Công ty TNHH bảo hiểm Chubb Việt Nam.
Theo phản ánh của nhiều khách hàng, các ứng dụng gọi xe thường ẩn các thông tin liên quan đến bảo hiểm vào vị trí tác vụ mà khách hàng rất khó nhận thấy.
Ví dụ, với Grab, phần tác vụ hiển thị ngoài màn hình khi khách hàng đặt xe không hề có thông báo nào về việc phí chuyến xe đã bao gồm phí bảo hiểm. Khi click vào dấu 3 chấm hiển thị ngoài màn hình chính, tiếp tục vào mục Ride Cover với giá 2.000 đồng, hiển thị ra ngoài lại là dòng thông tin “Nhận phiếu ưu đãi dịch vụ khi tài xế đến trễ 10 phút hoặc hơn”. Điều này khiến khách hàng nhầm tưởng là chi phí bồi thường trễ chuyến. Và khi click vào Ride Cover, bảo hiểm chuyến đi là mục được nhắc đến nhiều nhất.
Đáng nói là Grab mặc định chế độ đồng ý tham gia Ride Cover 2.000 đồng/chuyến mà khách hàng không hề hay biết hoặc đồng ý.
Phí bảo hiểm hiện Grab đang áp dụng cho các chuyến xe sử dụng ứng dụng này là 2.000 đồng/chuyến.
Mức phí bảo hiểm mà Be này đang áp dụng tuỳ thuộc vào quãng đường di chuyển. Ví dụ, với chuyến xe di chuyển 7km, phí bảo hiểm sẽ là 2.000 đồng với Bebike và 4.000 đồng với Becar 4 chỗ hoặc 7 chỗ. Hay với mức phí di chuyển khoảng 1,7 triệu đồng, phí bảo hiểm ở mức 20.000 đồng với Bebike và 25.000 đồng với Becar 4 chỗ cho cùng quãng đường này.