Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

GS Hoài An, người làm rạng danh phụ nữ Việt Nam

An Thanh
Chia sẻ Zalo

GS Lê Thị Hoài An, Đại học Lorraine - UFR MIM (Pháp), Giám đốc Trung tâm CNTT và Ứng dụng của LGIPM (Phòng thí nghiệm Kỹ thuật Máy tính, Sản xuất và Bảo trì) là người chiến thắng giải Constantine Caratheodory danh giá do Hiệp hội Quốc tế Tối ưu hóa toàn cầu (ISoGo) trao tặng.

Đến giờ, GS Hoài An là người Việt Nam thứ 2 sau GS, viện sĩ Hoàng Tụy, Viện Toán học được nhận giải thưởng tự hào này (năm 2011).  Nếu GS Hoàng Tụy được coi là cha đẻ lĩnh vực tối ưu hóa toàn cục (global optimization) trong Toán học ứng dụng thì bà là người Pháp đầu tiên (thứ 3 châu Âu), và là nhà nghiên cứu Toán ứng dụng thứ 10 trên thế giới vinh dự nhận được giải thưởng danh giá này.

Xuất xứ cái tên đẹp
Cách đây 2 năm, khi nói về trường Đại học Sư phạm Vinh (ĐHSP) và xứ Nghệ, GS Hoài An chia sẻ: “Tôi là một trong số ít những người mà kỷ niệm gắn với trường Vinh ngay từ lúc cất tiếng khóc chào đời (1959 năm) cho đến khi bước vào đời bằng đôi chân của chính mình. Ngay cả cái tên của tôi cũng xuất phát từ đó! Tôi ra đời ở Hà Nội hai tháng sau khi ĐHSP Vinh thành lập. Bố tôi đang là cán bộ ở ĐHSP Hà Nội (từ 1957) thì được Bộ kêu gọi về ĐHSP Vinh để “xây dựng mái trường quê hương”. Bố về Vinh ngay khi trường thành lập, cả nhà ở lại Hà Nội, nên tên của tôi được bố mẹ đặt để tỏ nỗi nhớ người trở về Nghệ An (cứ nghĩ là bố chỉ về Vinh vài năm đầu xây dựng trường rồi lại ra Thủ đô) Thế rồi bố mẹ tôi đã gắn bó với trường Vinh từ đó cho đến lúc bố về hưu - năm 2000. “ Ngày về tóc còn xanh mà khi ra đi đầu đã bạc”. Bố tôi 50 năm cống hiến cho ngành giáo dục thì 41 năm đóng góp cho ĐHSP Vinh”.
  Hoài An, tên của tôi được bố mẹ đặt để tỏ nỗi nhớ người trở về Nghệ An. 

Nhớ lại năm tháng tuổi thơ gắn liền với chiến tranh, bom đạn, GS Hoài An hoài niệm: “3 năm ở Thạch Thành (1966-1969) đi học với các bạn dân tộc Mường, lúc đầu ở nhà sàn với dân. Còn bé tý mà phải trèo đèo lội suối đi học. Kỷ niệm với trẻ con khoa Văn ngày đó rất nhiều và vui - 4 chị em nhà chúng tôi cùng với các anh, chị, em con cô Cần chú Ngọ, bác Sỹ, cô Thiềm, hai bác Diệu - Nguyệt, chú Biểu, cô Tân, chú Tưởng Đăng Trữ … và đặc biệt là Hồng Minh Phương Đông con bác Vịnh cô Bình - hàng xóm thân thiết với nhà tôi suốt 6 năm (3 năm Thạch Thành và 3 năm Quỳnh Lưu), … hồi đó hai nhà ở riêng trên một quả đồi mà chúng tôi gọi là “Đảo Cồn Cỏ”.
Những đứa con của trường Vinh nói riêng và xứ Nghệ nói chung đã đi qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh. Bom đạn kẻ thù đã không làm cho những chàng trai, cô gái xứ Nghệ ấy chùn bước, để rồi trong số đó xuất hiện một nữ Toán học xuất sắc như ngày hôm nay.

PGS.TS Nguyễn Quý Dy (nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Toán, ĐHSP Vinh) cho biết: “Giải thưởng Constantin Caratheodory do Hiệp hội Tối ưu hóa Toàn cầu Quốc tế thành lập vào năm 2011 và lần đầu tiên được trao tại Đại hội Thế giới lần thứ hai về Tối ưu hóa Toàn cầu, được tổ chức tại Chania, Hy Lạp tháng 7 năm 2011”.
“Giải được được trao hai năm một lần cho một cá nhân (hoặc một nhóm) vì những đóng góp cơ bản cho lý thuyết, thuật toán và ứng dụng của tối ưu hóa toàn cầu. Giải thưởng mang tên nhà toán học Constantin Caratheodory được trao cho công trình xuất sắc phản ánh những đóng góp đã vượt qua thử thách của thời gian. Các tiêu chí bao gồm sự xuất sắc về mặt khoa học, sự đổi mới, ý nghĩa, chiều sâu và tác động. Người chiến thắng sẽ nhận được giấy chứng nhận với giải thưởng trị giá 2.000 USD, hội đồng tuyển chọn năm nay do GS người Mỹ Panos Pardalos đứng đầu”.
 Bà và chồng còn tham gia chương trình đào tạo Thạc sỹ Pháp-Việt, hợp tác khoa học với một số trường đại học, Viện nghiên cứu ở Việt Nam. Ảnh FBVN.
Trả lời trang web của nhà trường (http://factuel.univ-lorraine.fr) GS Hoài An cho biết: "Giải thưởng chính là sự ghi nhận sâu sắc từ cộng đồng khoa học giành cho tác giả của công trình đặc biệt và ghi nhận tác động lớn của nó đối với Tối ưu hóa toàn cầu"- lời tuyên bố của Chủ tịch hội đồng tuyển chọn GS Panos Pardalos trong lá thư công bố giải thưởng.
Sự khác biệt này khen thưởng những đóng góp của tôi trong việc tạo ra một lĩnh vực cơ bản mới về Tối ưu hóa Không lồi và Không khác biệt mà chúng tôi đã đặt tên: Lập trình DC (Sự khác biệt của hàm Lồi) và DCA (Thuật toán DC) - Lý thuyết, Thuật toán và Ứng dụng . (Lập trình DC và DCA: Lý thuyết, Thuật toán và Ứng dụng). Nghiên cứu này, với nhiều cải tiến sáng tạo, đã tạo ra những tiến bộ ban đầu ngoạn mục và mang tính cách mạng trong các ngành khoa học ứng dụng khác nhau, đặc biệt là khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), v.v.”

Với hơn 280 công trình khoa học trong lĩnh vực Toán Tối ưu và Khoa học dữ liệu, trong đó có 140 bài báo công bố trong các tạp chí khoa học quốc tế, thành quả cao của các dự án chuyển giao công nghệ cho nhiều hãng công nghiệp lớn, cùng với thành tích đào tạo 35 tiến sĩ và 4 tiến sĩ khoa học, hồ sơ khoa học của GS Thị Hoài An được Hội đồng đánh giá là đặc biệt xuất sắc (Exceptional) với số điểm 29/30.
Truyền thống gia đình
Thân sinh GS Lê Thị Hoài An là PGS Lê Bá Hán (đã mất) quê ở xã Đức Bồng,  huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Ông từng làm Chủ nhiệm bộ môn Lý luận văn học (Khoa Văn), Chủ tịch Hội đồng Khoa học trường ĐHSP Vinh. Mẹ của bà  là cô giáo Nguyễn Thị Lộc dạy môn Sinh cho khối PTTH chuyên Toán, trường ĐHSP Vinh.
Gia đình trí thức ấy có người chị cả PGS.TS Lê Thị Hoài Châu và GS Hoài An đi theo Toán. Anh trai là PGS.TS Lê Quang Hưng - Trưởng khoa Việt Nam học của trường ĐHSP Hà Nội. Chị gái thứ 3 là GS.TS Lê Thị Hoài Phương, bảo vệ tiến sỹ chuyên ngành Phê bình - Lý luận sân khấu tại trường Đại học Quốc gia Âm nhạc, Sân khấu, Ðiện ảnh Leningrad Liên bang Nga. Một gia đình 6 người mà có 2 GS và 3 PGS thì không chỉ ở Việt Nam mà ở châu Âu cũng thuộc dạng hiếm có.
GS Hoài An là tấm gương tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung, toán ứng dụng nói riêng. Ảnh FBNV.

Năng khiếu về Toán của GS Hoài An đã được bộc lộ từ rất sớm. Anh Nguyễn Đình Lâm, bạn học cùng khóa 1973 -1976 trường cấp 3 Huỳnh Thúc Khánh (Vinh, Nghệ An) chia sẻ: Từ hồi học cấp 3 An là 1 trong 2 bạn học giỏi toán nhất khóa. An học lớp M do thầy Nguyễn Hậu dạy Văn chủ nhiệm, thầy Nguyễn Công Tâm dạy Toán. Cô gái Hà Tĩnh ấy đã tốt nghiệp thủ khoa khoa Toán, trường ĐHSP Hà Nội năm 1980 và được giữ lại làm giảng viên. GS Hoài An từng là cán bộ giảng dạy ở ĐHSP Hà Nội 1 trong 10 năm. Bà sang Pháp năm 1991 trong một chương trình hợp tác giữa Đại học Joseph Fourier Grenoble 1 và trường ĐHSP Hà Nội.  
 Tại đây, bà may mắn gặp được người thầy và sau nay là người chồng, người đồng nghiệp đã sáng lập lý thuyết quy hoạch DC (hiệu hai hàm lồi) và DCA (thuật toán hiệu hai hàm lồi). GS Phạm Đình Tảo khởi xướng chuyên ngành từ năm 1985 và được phát triển rộng rãi kể từ 1993 thông qua các công trình nghiên cứu chung của hai vợ chồng. Trong vòng 15 năm trở lại đây, hướng đi này đã thu hút nhiều hãng công nghiệp lớn của thế giới. Đây là một công cụ rất hữu hiệu cho phép giải quyết những vấn đề hóc búa thuộc nhiều lĩnh vực ứng dụng khác nhau như khai thác dữ liệu và học máy, quân sự, viễn thông, giao thông, chuỗi cung ứng, quản lý sản xuất, tài chính, năng lượng, cơ học, sinh học, y học, phân tích hình ảnh, mã hóa, bảo mật và độ tin cậy…
Hướng về Việt Nam
Nhớ về những năm tháng đầy gian khổ của mình, mỗi lần có dịp về Việt Nam, GS Hoài An (ĐH Lorraine, Pháp) và GS Phạm Đình Tảo (Viện khoa học và ứng dụng quốc gia Rouen, Pháp) đều bố trí thời gian đến thăm và giảng bài tại Viện Toán ứng dụng và Tin học, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Rất nhiều thầy cô giáo trẻ, các bạn nghiên cứu sinh, học viên cao học và các em sinh viên yêu thích toán ứng dụng đã tham gia các buổi nghe giảng với thần tượng của mình.  Ngoài ra bà và chồng còn tham gia chương trình đào tạo Thạc sỹ Pháp-Việt, hợp tác khoa học với một số trường đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam.
Đến giờ có thể khẳng định, với những đóng góp không mệt mỏi của mình, GS Hoài An đã làm rạng rỡ quê hương Hà Tĩnh, niềm tự hào của trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Vinh, Nghệ An), trường ĐHSP Hà Nội, ngành Toán Việt Nam. Người con yêu dấu của trường ĐHSP Vinh là tấm gương tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung, toán ứng dụng nói riêng.