GS Ngô Bảo Châu từng trượt trường chuyên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/8, GS Ngô Bảo Châu cùng GS Toán học người Pháp Cedríc Villani đã có mặt tại Trung tâm văn hóa Pháp (L’Espace) để chia sẻ về triết lý giáo dục và cảm xúc khi nhận được giải Fields.

Mới đây, trên trang cá nhân, GS đã có ý kiến cho rằng cần ghi nhận thành công trong việc tổ chức kỳ thi quốc gia năm nay của Bộ Giáo dục. Xin GS có thể nói rõ hơn?

Năm ngoái, tôi có phát biểu quan điểm trên của mình về việc thi tốt nghiệp phổ thông. Lý do làm tôi nghĩ nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông là những biểu hiện thiếu trung thực ở kỳ thi này trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng kiểm tra chất lượng dựa vào một quá trình thì tốt hơn là vào một cuộc thi, cho nên học bạ, điểm học trong năm là đủ để quyết định việc lên lớp và việc tốt nghiệp. Bây giờ tôi vẫn nghĩ như thế.

Tuy nhiên, sau đó để tiết kiệm chi phí cho xã hội Bộ GD&ĐT quyết định giữ phương án gộp kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học thành một kỳ thi quốc gia, tôi đã mường tượng ra sự phức tạp để tổ chức một kỳ thi như thế.

Tuy tôi vẫn ngờ rằng có thể có phương án thi và tuyển sinh ít phức tạp hơn, tôi thấy cần phải ghi nhận cố gắng của Bộ GD&ĐT trong việc đảm bảo cho sự trung thực của kỳ thi năm nay. Nếu so sánh với những năm trước, có thể coi đây là một thành tích đáng kể. Tôi nghĩ sắp tới nếu Bộ GD&ĐT duy trì cách thức tuyển sinh như thế này thì cần phải cải tiến kỹ thuật để làm nó đơn giản nhiều hơn nhằm tránh phiền toái cho thí sinh.
GS Ngô Bảo Châu từng trượt trường chuyên - Ảnh 1
Do cách tuyển sinh năm nay, nhiều thí sinh đã cố gắng để đỗ Đại học mà không quan trọng ngành đó mình có yêu thích hay không. Với những thí sinh như vậy, theo GS cần có giải pháp gì?

Mỗi người có khả năng khác nhau, có mối quan tâm khác nhau. Giá trị con người không thể đánh giá bằng một kỳ thi, hay anh có giỏi toán hay không, cuộc sống cần những phẩm chất khác nhau. Nền giáo dục chúng ta hướng tới là nền giáo dục đa dạng để đứa trẻ nào cũng có phẩm chất của nó. Nền giáo dục phải giúp cho phẩm chất được thể hiện, để mỗi phẩm chất của đứa trẻ được trở thành tác phẩm nào đó trong cuộc sống.

Tàn dư say sưa bằng cấp của chế độ phong kiến gây ra nhiều hệ lụy khác nhau. Một bạn trẻ có thể có một cuộc sống đem lại nhiều niềm vui không nhất thiết phải có bằng đại học. Các trục trặc trong quá trình tuyển sinh khiến cho thí sinh thà đỗ Đại học mà không đỗ ngành nào thì thật đáng tiếc. Với những thí sinh này, các trường Đại học có thể mềm dẻo có cơ chế chuyển ngành chuyển khoa để các em có thể học ngành các em yêu thích.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã bỏ hệ thống trường chuyên cấp 2. GS nghĩ thế nào về quyết định này?

Nhiều người trong cộng đồng toán học cũng phiền lòng về quyết định bỏ hệ thống trường chuyên cấp 2. Quan niệm chung của xã hội để dấu ấn trong quyết định của Bộ bỏ trường chuyên là các học sinh lớp chuyên là “gà chọi”, chỉ giỏi môn chuyên. Điều này là phiến diện. Những học sinh chuyên toán không có vẻ là “gà công nghiệp” tí nào.

Chúng ta cần tạo điều kiện cho các em có phẩm chất nhất định phát huy. Xét ở khía cạnh này, trường chuyên có thuận lợi nhất định: Giúp các bạn học sinh tập trung vào một số đam mê nhất định. Đam mê là động lực để học hỏi hơn là kỷ luật.

Thật ra, tôi cũng từng thi trượt lớp chuyên. Tuy nhiên tự trọng cá nhân của tôi giúp tôi cố gắng về sau. Lúc đó tôi lớp 6, 11 tuổi. Đó cũng là kinh nghiệm tiếp xúc đầu tiên của tôi với toán học. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần