Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc: Tận lực cống hiến cho Thủ đô

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người thầy, nhà khoa học sâu sắc và uyên bác trong lĩnh vực lịch sử - GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc đã bước sang tuổi 68, nhưng ông có đến 51 năm tận lực cống hiến sức lực và trí tuệ cho Hà Nội.

“Sau khi tốt nghiệp phổ thông hệ 10 năm tại Hải Phòng, tôi được lên Hà Nội và vào học khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp (nay là trường Đại học KHXH&NV Hà Nội). Bài học đầu tiên của tôi là Nhập môn khảo cổ học của thầy Trần Quốc Vượng. Tôi còn nhớ như in lời thầy khẽ nhắc học trò: “Bây giờ ăn cơm Hà Nội, uống nước Hà Nội, thì nhớ trả nợ nguồn cho Hà Nội”. Tôi yêu môn Sử và gắn bó với Hà Nội ngay từ bài học đầu tiên ấy” - GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc bày tỏ.
Cậu học trò lạc khoa Toán sang khoa Sử

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc sinh ngày 14/9/1952 trong một gia đình nông dân ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Theo lời kể của GS Nguyễn Quang Ngọc: Khi là học sinh trường THPT Ngô Quyền ông rất yêu thích toán học.
 GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (thứ 6 từ trái sang) cùng các chuyên gia sử học, khảo cổ học đi điền dã sử học.
Năm 1969, khi đến hạn nộp hồ sơ rồi mà chàng thanh niên Nguyễn Quang Ngọc chưa biết là mình sẽ xin vào trường đại học nào. Một hôm tình cờ nghe đài nói về GS Ngụy Như Kon Tum, Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, một nhà khoa học hàng đầu của đất nước, học trò của Maricurie… cậu học trò “nhà quê” này mới bắt đầu để tâm tìm hiểu về trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và quyết định nộp đơn xin vào khoa Toán của trường.

Đến ngày nhập học, ông vô cùng thất vọng vì không hiểu vì lý do gì mà tên của ông lại bị “lạc” sang khoa Lịch sử. Ngay lập tức ông đến phòng Giáo vụ xin được chuyển sang khoa Toán và đã được hướng dẫn cách thức làm thủ tục chuyển khoa. Tuy nhiên, trong lúc chờ nhà trường giải quyết, cậu tân sinh viên đến từ Hải Phòng vẫn phải về tập trung tại khoa Lịch sử ở tầng 3 nhà D6 Mễ Trì - ngôi nhà bị bom Mỹ đánh sập chỉ còn một nửa. Mấy ngày sau đơn xin chuyển khoa đã được chấp thuận và cũng là ngày sinh viên G1 (năm thứ nhất khoa Lịch sử) vào học buổi đầu tiên.
Lớp học là một căn phòng hoang tàn, trống trải, nham nhở vết bom, không cửa, không bàn, không ghế. Sinh viên từng là bộ đội, thanh niên xung phong, giáo viên cấp 2, cán bộ trung cấp, học sinh phổ thông... ngồi bệt trên nền nhà, người đứng, người đi ngoài hành lang thật khó có thể hình dung ra đấy lại là một lớp học.
Thầy giáo tuổi chừng xấp xỉ 40, mắt sáng, trán cao, chào các “ông” các “bà” sinh viên rồi đi nhanh vào lớp. Ông bắt đầu bài giảng bằng các câu chuyện trên trời, dưới biển, chuyện trên mặt đất, chuyện trong lòng đất, chuyện hôm qua, chuyện hôm nay và cả chuyện mai sau. Ông nói là ông đang dạy cho học trò biết lật từng trang sách đất để đọc trang sách đời, biết bắt hòn đá câm phải nói lên tiếng nói hùng hồn của cuộc sống.
Vốn kiến thức uyên bác và nhất là phong cách giảng bài kỳ lạ của ông đã thật sự “hút hồn” học trò. Học hết buổi thứ nhất, Nguyễn Quang Ngọc cố nán lại học thêm buổi nữa và cuối cùng anh không còn nhớ đến tờ đơn xin chuyển khoa nữa.
Vốn mang sẵn cái mặc cảm tự ti của một học sinh nông thôn không có điều kiện được tiếp xúc và trang bị vốn kiến thức xã hội như các bạn bè cùng lớp, Nguyễn Quang Ngọc ngay từ đầu đã dồn tâm dồn sức cố học cho kịp bạn kịp bè. Có thể vì thế mà anh lại sớm được các thầy cô trong khoa “để ý”.
GS Phan Huy Lê là người đầu tiên quan tâm theo dõi và định hướng chuyên môn cho cậu học trò này, tương lai trở thành một cán bộ giảng dạy ở Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại. Bộ môn gắn với tên tuổi của nhiều GS danh tiếng như Đào Duy Anh, Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Phạm Thị Tâm… càng làm tăng thêm quyết tâm của cậu sinh viên Nguyễn Quang Ngọc.

Duyên nợ với Thủ đô ngàn năm văn hiến

GS Nguyễn Quang Ngọc tâm sự: Những bài giảng của các thầy cô “khai tâm” cho ông về tiến trình lịch sử đất nước phần nhiều đều tập trung vào địa bàn Hà Nội. Rồi ông được đi điền dã sử học về thời đại dựng nước đầu tiên, về nước Âu Lạc, thành Cổ Loa, An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Ngô Quyền, cho đến Lý Thái Tổ định đô đất Thăng Long và các triều đại Lý, Trần, Lê... hầu như cũng đều được triển khai trên địa bàn Hà Nội.

“Sau khi tốt nghiệp đại học, được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy, tôi có nhiều điều kiện đi sâu nghiên cứu về Hà Nội hơn, tuy nhiên đấy vẫn còn dừng lại ở niềm đam mê cá nhân. Từ năm 1996, tôi trở thành Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, trường Đại học KHXH&NV và 8 năm sau, năm 2004 là Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi bắt đầu tổ chức các đề tài hay các công trình nghiên cứu có tính liên ngành và tổng kết một số lĩnh vực về Hà Nội” - GS Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ.
Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội Văn hiến, Anh hùng, vì Hòa bình” được tổ chức trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã đi đến quyết định xây dựng một ngành Hà Nội học liên ngành gắn với Khu vực học và Khoa học phát triển và giao GS Nguyễn Quang Ngọc vừa là Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, vừa là Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội đứng ra tổ chức thực hiện chủ trương rất quan trọng này.

Hàng loạt các chương trình khoa học cấp Nhà nước KX.09, Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, Chương trình Bách khoa thư Hà Nội, cùng rất nhiều các đề tài dự án cấp TP và cấp cơ sở nghiên cứu tổng kết, nghiên cứu phát triển Thủ đô Hà Nội, cùng kết quả của các hội nghị hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế liên ngành và chuyên ngành về Thăng Long - Hà Nội... chính là những cơ sở bảo đảm cho sự ra đời một ngành khoa học Hà Nội học liên ngành.
Và được sự quan tâm của Lãnh đạo TP, Trung tâm Hà Nội học và phát triên Thủ đô được thành lập và đã đi vào hoạt động, trở thành địa chỉ tin cậy của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và giảng dạy về Hà Nội học cả trong nước và quốc tế từ năm 2014 đến nay.

Với vai trò là người chịu trách nhiệm đứng đầu, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cùng các đồng nghiệp bước đầu đã xây dựng được cơ sở lý luận và phương pháp luận cho một ngành học Hà Nội học liên ngành, gắn với Khu vực học và Khoa học phát triển.
Cùng với cộng sự, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đã biên soạn và xuất bản được Giáo trình Hà Nội học và một số sách tham khảo rất cơ bản cùng hàng chục cuốn sách và bài báo khoa học khác. Đành rằng đây đang còn là giai đoạn khởi đầu, nhưng nó đã xác nhận sự ra đời của một ngành học giữ một vị trí rất quan trọng trong chiến lược đào tạo con người, phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội.

"Tôi biết chặng đường phía trước vẫn còn không ít khó khăn và thấy mình phải cố gắng hơn nữa nhưng tôi tin chắc rằng: “Thăng Long - Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng vô tận để mỗi công dân của Hà Nội cũng như những người đã đến với Hà Nội cống hiến để cùng Thành phố phát huy truyền thống Thủ đô hơn 1000 năm văn hiến, anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, nơi lắng hồn của núi sông ngàn năm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, vì sự phát triển toàn diện và bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh và hiện đại." - GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc