GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Hà Nội đi đầu trong phát triển văn hóa

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, chỉ khoảng 5 - 7 năm nữa, Hà Nội phải thực sự trở thành Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, một mẫu mực cao về văn hóa và sáng tạo.

 Trước thềm Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” diễn ra hôm nay (21/3),  GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô đã có cuộc trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề phát triển văn hóa Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô.

Ông đánh giá thế nào về nguồn lực cũng như việc phát huy các giá trị văn hóa của Thủ đô thời gian qua?

- Vai trò của văn hóa đã được khẳng định rõ nét trong Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 – 2023). Tiếp đó, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ngày 24/11/1946, Bác Hồ đã khẳng định “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng năm 2021 nhấn mạnh: "Văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế". Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh thêm một số nội dung, đặt văn hóa ngang hàng với với các lĩnh vực trọng yếu khác.

Nhưng thực tế, trong điều kiện khó khăn, chúng ta không thể không ưu tiên, tập trung cho kinh tế, văn hóa chưa được đầu tư đúng mức.

Gần đây, chúng ta có nhiều điều kiện hơn. TP Hà Nội đã thể hiện quyết tâm cao, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối trong phát triển văn hóa. Cụ thể, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 15/NQ-TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.

Chủ trương này đã được Thành ủy Hà Nội cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục khẳng định nhận thức toàn diện hơn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội.

Nghị quyết cũng đồng thời xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô.

Di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải 
Di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải 

Trong đó, Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” đã quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực, nguồn lực và sức mạnh nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Đồng thời khẳng định vị trí, vai trò và đóng góp quan trọng của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Thủ đô.

Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” có sự tham gia của gần 300 nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý trên địa bàn Hà Nội. Các nhà khoa học sẽ có những ý kiến gì tại Hội thảo, thưa ông?

- Tôi cảm ơn TP Hà Nội đã tạo điều kiện để các nhà khoa học tham gia, đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình nhằm phát huy nguồn lực văn hoá để phát triển Thủ đô. Thông qua Hội thảo, các chuyên gia được thể hiện hết những điều tâm huyết, sau nhiều năm nghiên cứu về Thủ đô.

Tôi được phân công đọc khoảng 60 bài tham luận trong kỷ yếu. Qua đó, tôi thấy có nhiều bài viết rất công phu, tâm huyết, thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao của các nhà trí thức, chuyên gia để góp công sức phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô.

Hoạt động tại không gian sáng tạo Complex 1, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn
Hoạt động tại không gian sáng tạo Complex 1, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn

Đơn cử, Hội thảo có nhiều bài tham luận về địa lý, quy hoạch, văn hóa, lịch sử, khảo cổ học về sông Hồng. Từ đó có thể khẳng định, sông Hồng có vị trí trung tâm, quyết định nền văn minh sông Hồng – văn minh đầu tiên của thời đại dựng nước - nguồn lực vật chất cho sự ra đời nhà nước Văn Lang.

Là một người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Hà Nội, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa cũng như kỳ vọng sau Hội thảo?

- Sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc và các cuộc hội thảo về thể chế, chính sách, nguồn lực cho phát triển văn hóa, kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam, TP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học về văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Đây là quyết tâm chiến lược nâng văn hóa Thủ đô lên vị trí hàng đầu, đặt văn hóa ngang tầm với kinh tế và một số lĩnh vực trọng yếu nhất; vận dụng sáng tạo, hiệu quả những thành tựu nghiên cứu tiêu biểu về văn hóa, đặc biệt là văn hóa Thủ đô Hà Nội vào giải quyết những vấn đề đang đặt ra từ cuộc sống thực tiễn.

Qua đó, để chỉ khoảng 5 - 7 năm nữa, Hà Nội phải thực sự trở thành Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, một mẫu mực cao về văn hóa và sáng tạo, một sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa phát triển nhanh, mạnh với phát triển toàn diện, bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông!