Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gửi đôla giảm sức hấp dẫn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lãi suất USD thấp, tỷ giá ổn định một thời gian dài, nhu cầu vay vốn đôla giảm là nguyên nhân khiến huy động ngoại tệ trong ngân hàng có xu hướng chậm lại.

Không giống như tiền đồng, hiện tượng lách trần lãi suất USD ở các ngân hàng thương mại ít diễn ra dù trần lãi suất USD chỉ ở mức 2% với dân cư và 0,5% một năm cho doanh nghiệp. Chị Hằng, nhân viên một ngân hàng có chi nhánh tại phố Nguyễn Khánh Toàn (Hà Nội) cho biết, lãi suất cao nhất cho tiền gửi đôla chỉ là 2%. "Nếu khách gửi nhiều chúng tôi có thêm quà tặng nhỏ. Không thể áp dụng lãi suất cao hơn vì như thế là vi phạm", nhân viên này nói.

Trao đổi với PV, một đại diện của Eximbank tại Hà Nội cũng thông tin, ngân hàng này đang có chương trình quay số dự thưởng cho gửi tiết kiệm USD áp dụng cho các khoản từ 500 USD trở lên trong kỳ hạn 3 tháng, không rút vốn trước hạn. Còn việc nới lãi suất đầu vào bằng USD, đơn vị này không tính đến.

Theo đại diện của nhà băng này, lãi suất đôla ở mức thấp chênh lệch tối thiểu tới 12% so với tiền đồng, việc gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ không còn mấy hấp dẫn nên nguồn vốn đôla tại nhà băng không tăng, có nơi còn giảm trong thời gian gần đây.
 
 
Ông Lê Quang Trung, Giám đốc khối Nguồn vốn và Ngoại hối Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng huy động vốn bằng USD tại đơn vị này năm nay thấp hơn. Vốn chủ yếu đến từ khu vực dân cư, doanh nghiệp hầu như không tăng. Lượng USD mới gửi vào không đáng kể mà chủ yếu là những khoản tiền cũ vẫn ổn định trong hệ thống.

Chuyên gia về nguồn vốn này phân tích, nguồn vốn USD tăng chậm là do sự ổn định của tỷ giá trong những tháng gần đây. Tỷ giá ổn định, lãi suất đôla thấp, lạm phát có xu hướng giảm là nguyên nhân khiến nhu cầu chuyển đổi giữ đồng đôla trong dân cư xuống theo.

Còn bà Võ Thị Sánh, Giám đốc Ban Nguồn vốn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho biết, từ cuối tháng 9 đến nay, các khoản gửi đôla mới từ dân cư gần như không tăng. "Từ đầu năm đến nay, huy động vốn bằng USD tại BIDV giảm 20%, chủ yếu đối với tiền gửi không kỳ hạn. Còn nếu so với toàn hệ thống, mức này giảm 40%", bà Sánh nói.

Bên cạnh các lý do khiến gửi gửi tiết kiệm USD kém hấp dẫn làm cho nguồn vốn huy động ngoại tệ tại ngân hàng giảm, một nguyên nhân khác là nhà băng cũng không mấy mặn mà trong việc đẩy mạnh huy động bởi nhu cầu vay đôla hiện đang đi xuống.

Hiện tại, lãi suất cho vay đôla Mỹ lên tới 8% một năm, cộng với biến động tỷ giá từ đầu năm đến nay khoảng 9,5% thì lãi suất tổng cộng khoảng 17,5%. Kể từ đầu tháng 10 đến nay, tỷ giá mua bán thực tế trong ngân hàng liên tục tăng khiến cho việc vay đôla càng có nguy cơ chịu rủi ro về tỷ giá.

Chưa hết, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, để tiếp cận được nguồn vốn USD, doanh nghiệp phải chứng minh có nguồn thu ngoại tệ trả nợ. Trong khi mùa xuất khẩu rơi vào những tháng giữa năm (tháng 5 - 6), nguồn thu từ các doanh nghiệp những tháng cuối năm không nhiều nên khi vay cũng khó kiếm nguồn trả nợ. Điều này cộng với thủ tục vay USD phức tạp hơn nhiều so với VND nên nhu cầu càng giảm thêm. Với các doanh nghiệp cần gấp USD, họ có xu hướng chuyển sang mua đứt chứ không vay, phó tổng giám đốc một nhà băng cổ phần tại Hà Nội nói.

Đây cũng là lý do khiến nhu cầu huy động đôla của các nhà băng không mạnh và họ cũng không mặn mà chuyện lách trần lãi suất để đẩy mạnh thu hút vốn ngoại tệ.

Trước đó, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 19/8, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 3,04% so với tháng trước. Trong đó tiền gửi bằng VND tăng 3,32%, tiền gửi bằng ngoại tệ chỉ tăng 1,81%. Còn tính đến ngày 29/9/2011, huy động vốn ngoại tệ của hệ thống các tổ chức tín dụng từ nền kinh tế chỉ tăng 0,07% (tương đương 17 triệu USD) so với cuối tháng 8/2011.

Bình luận về việc tỷ giá trong ngân hàng tăng liên tục trong những ngày gần đây có thể khiến nhu cầu gửi USD tăng lên, một chuyên gia tiền tệ của BIDV cho biết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố tỷ giá chỉ tăng tối đa 1% cho đến cuối năm. Mức tăng thời gian gần đây chỉ khoảng 0,6% mà chênh lệch lãi suất giữa VND và USD lên tới hơn 10% một năm thì việc chuyển đổi hay không người gửi tiền sẽ cần cân nhắc kỹ.