Gửi xe “một chạm” ở Thủ đô:  Lợi ích nhiều bên

Huyền Sâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vòng 6 tháng (từ ngày 15/4 – 15/10/2024), Hà Nội thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt tại 7 điểm thuộc quận Hoàn Kiếm. Nhưng mới 4/6 tháng, TP đã có tới 99 điểm trông giữ xe áp dụng công nghệ này.

Điều đó cho thấy dịch vụ văn minh được cả người dân và DN trông giữ xe hào hứng đón nhận.

Người dân và doanh nghiệp đều ủng hộ

Theo Sở GTVT, Hà Nội hiện có khoảng 9,2 triệu phương tiện cá nhân, do vậy nhu cầu trông giữ xe trong đô thị là rất lớn. Thực hiện Đề án 06 về Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ và Nghị quyết số 18 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số xây dựng TP thông minh, Hà Nội đã thí điểm áp dụng công nghệ vào trông giữ xe nhằm giải quyết bài toán về quản lý, trông giữ phương tiện trong đô thị.

Theo đó, các bãi xe được trang bị thiết bị đọc cố định (đối với bãi xe kín) hoặc thiết bị cầm tay (đối với bãi xe mở) và ứng dụng công nghệ RFID để nhận diện biển số, thời gian các xe ra/vào bãi gửi xe.

Điểm trông giữ xe thu phí không dùng tiền mặt trên phố Lý Thường Kiệt. Ảnh: Chu Đức
Điểm trông giữ xe thu phí không dùng tiền mặt trên phố Lý Thường Kiệt. Ảnh: Chu Đức

Người dùng có thể thanh toán linh hoạt bằng tài khoản giao thông (VETC, ePass) hoặc quét mã QRcode thông qua các ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử vào bất kì thời điểm nào trước khi lấy xe mà không cần phải dừng chờ. Mọi giao dịch được thực hiện thông qua hệ thống công nghệ, đáp ứng tiêu chí 2 không (không dùng tiền mặt, không dừng), 1 có (có biên lai, hóa đơn điện tử kết nối với máy tính tiền, cơ quan thuế).

Với cách thức nhanh, gọn, thuận lợi, minh bạch, việc gửi xe và thanh toán giá trông giữ phương tiện “một chạm”, “không dừng” được người dân Thủ đô đánh giá cao. Theo Sở GTVT Hà Nội, từ 7 điểm ban đầu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, tính đến ngày 15/8 TP đã có tổng 99 điểm đỗ xe đang triển khai giải pháp thí điểm thanh toán dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt thuộc 8/30 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm (49 điểm), Cầu Giấy (11 điểm), Nam Từ Liêm (10 điểm), Đống Đa (9 điểm), Tây Hồ (8 điểm), Hai Bà Trưng (6 điểm), Bắc Từ Liêm (4 điểm), Ba Đình (2 điểm).

Chị Nguyễn Thị Khuyên (quận Cầu Giấy) cho biết, trước đây nhiều lần đến các tuyến phố trung tâm phải trả tiền gửi xe máy với giá 10.000 đồng/lượt, cá biệt có những lần phải gửi đến 20.000 đồng/lượt. Biết là bị “chặt chém giá” nhưng để được việc chị thường bỏ qua và nhiều người khác cũng có tâm lý như vậy.

Một người gửi một lần số tiền chênh lệch sẽ không đáng kể, nhưng nhiều người đều “gửi giá cao” trong khi quy định về giá trông giữ phương tiện của TP ở mức chỉ bằng một nửa hoặc một phần ba giá phải trả là thiệt thòi cho người dân. Chưa kể, điều này còn trái với quy định, gây thất thu thuế Nhà nước.

Nhưng tình trạng này đã thay đổi rõ rệt kể từ khi nhiều bãi xe trên địa bàn TP ứng dụng công nghệ trong thu phí trông giữ xe. Bản thân chị Nguyễn Thị Khuyên sau nhiều lần sử dụng dịch vụ gửi xe không dùng tiền mặt tại các bãi xe khác nhau và thanh toán bằng mã QRcode hiển thị sẵn giá trông giữ xe theo đúng quy định của TP (5.000 lượt/xe/ngày và 8.000đồng/lượt/xe/đêm) đã phải thốt lên rằng: “Giảm hẳn tình trạng chặt chém”.

Theo anh Lê Anh Phú (quận Bắc Từ Liêm), các khu hành chính Nhà nước, các bệnh viện, công trình công cộng là nơi người dân có nhu cầu gửi xe nhiều. Trước đây, việc gửi xe diễn ra bát nháo, nhưng từ khi ứng dụng công nghệ vào dịch vụ trông giữ xe thì đã quy củ hơn. “Gửi xe không dùng tiền mặt, thanh toán “một chạm” đã giúp người dân tiết kiệm thời gian dừng chờ với cả ô tô và xe máy, giảm ùn tắc, ô nhiễm, tránh thu sai giá, đặc biệt rất phù hợp với nền kinh tế số là việc rất đáng hoan nghênh” – anh Lê Anh Phú phấn khởi chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh - Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (đơn vị triển khai thí điểm), với các bãi trông giữ xe, việc áp dụng công nghệ đã giúp thống kê, giám sát xe ra vào điểm, bãi xe chính xác; phí trông xe được thu đúng, thu đủ và triệt tiêu được việc thu giá trái quy định, thu tiền không xuất chứng từ và hạn chế dùng tiền mặt; hơn nữa dù tinh giản về mặt nhân lực, bộ máy nhưng vẫn đạt hiệu quả tối ưu về mặt vận hành.

Xu hướng của tương lai

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo, thống kê sau một thời gian triển khai dịch vụ thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt, các điểm, bãi trông giữ phương tiện cơ bản hoạt động ổn định; đa số người dân đều đồng tình ủng hộ bởi hạn chế được tiêu cực, thu đúng giá, công khai minh bạch, chất lượng dịch vụ tốt hơn.

Việc thanh toán phí gửi xe “một chạm” cũng từng bước tạo thói quen không sử dụng tiền mặt của người dân phù hợp với nền kinh tế số, góp phần xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước tại các bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.

Dưới góc nhìn của chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng, việc thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt không chỉ mang lại lợi ích thiết thực trước mắt cho người dân và DN, mà xa hơn đối với việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh, TP thông minh, đây là một trong những công nghệ đi trước, mang tính xu hướng và có tính chất xây dựng hệ thống cao.

“Việc ứng dụng công nghệ vào giao thông là tất yếu, cũng là chìa khóa để chúng ta dù đi sau nhưng vẫn đón đầu và thích ứng với kỷ nguyên công nghệ mà trong đó, dịch vụ thu phí gửi xe không dùng tiền mặt là tiền đề để xây dựng nên bản đồ số thông minh về các bãi trông giữ xe trên toàn TP. Từ đây sẽ giúp giải quyết rất nhiều vấn đề giao thông khác của đô thị” - thạc sĩ Đỗ Cao Phan chia sẻ.

Với vai trò là đơn vị chủ trì chính trong thí điểm ứng dụng trông giữ xe không dùng tiền mặt, Sở GTVT Hà Nội đã tích cực ghi nhận ý kiến đa chiều, luôn chủ động xây dựng, tham mưu cho TP ban hành quy trình, quy chế chung thống nhất để quản lý, triển khai, vận hành các bãi trông giữ phương tiện, nhất là các giải pháp tháo gỡ khó khăn về chính sách và kết nối công nghệ. Đồng thời, phối hợp với các quận, huyện, Công an rà soát những điểm trông giữ xe trên toàn địa bàn để nâng cao trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm.

Xa hơn, Sở GTVT Hà Nội cho biết sẽ xem xét để xây dựng hình ảnh nhận diện chung cho các điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt theo đề nghị của UBND TP; phối hợp với những đơn vị cung cấp công nghệ (VETC, ePass) tổng kết những thế mạnh của loại hình dịch vụ này để có cơ sở xây dựng phương án triển khai nhân rộng mô hình trên toàn TP trong thời gian tới.

 

Chúng ta đã có tư duy, giải pháp, hiện chỉ còn hành động nhằm mục tiêu cao nhất là phục vụ Nhân dân. Với tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu, Hà Nội đã và đang huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, bên cạnh đó có sự đồng lòng, ủng hộ của người dân và DN, chắc chắn việc trông giữ xe ứng dụng công nghệ sẽ vượt qua khó khăn ban đầu, từng bước bắt kịp xu hướng chung, trở thành một trong những tiền đề thúc đẩy hệ thống giao thông thông minh của TP Hà Nội trong tương lai.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải