- Điều đó đúng với trường hợp cách đây 10 - 20 năm trước, khi số lượng người học guitar giảm mạnh. Bởi vì kinh tế phát triển, học sinh có nhiều lựa chọn học các loại hình nghệ thuật khác như piano, kèn, đàn điện tử..., nhưng số lượng giảm không có nghĩa chất lượng cũng giảm theo. Tính chuyên nghiệp của thể loại âm nhạc này vẫn đang từng bước được phát triển, các nghệ sĩ chuyên nghiệp đã biểu diễn thành công nhiều bài guitar chuẩn mực quốc tế. 2 năm trở lại đây, Học viện ÂNQGVN đã có học sinh chuyên ngành guitar đoạt giải thưởng uy tín của thế giới.
Số lượng người tham gia dự tuyển bộ môn guitar chuyên nghiệp giảm. Như vậy, đã bao giờ Học viện ÂNQGVN không tuyển đủ số chỉ tiêu đã định?
- Một vài năm, nhất là ở bậc đại học, bộ môn guitar nghệ thuật không tuyển đủ chỉ tiêu đề ra. Nhưng điều này không có nghĩa chúng tôi chấp nhận cả những ứng viên không có năng khiếu. Dù lớp học chỉ tuyển được 3 - 4 em hay 1 - 2 em, Học viện vẫn gắt gao ở chất lượng đầu vào. Và một nghịch cảnh là số lượng người học guitar chuyên nghiệp giảm, nhưng các lớp học xã hội hóa (nghiệp dư) lại tấp nập, thường xuyên kín lịch.
Học viện ÂNQGVN có phương pháp nào để rút ngắn khoảng cách về lượng người theo học giữa guitar nghệ thuật và guitar nghiệp dư?
- Từ nhiều năm nay, Học viện đã đào tạo những cái máy cái - đội ngũ người thầy tốt nghiệp loại giỏi từ các vùng miền, nhưng đào tạo để có người thầy giỏi cần thời gian. Và thầy nhiệt tình nhưng trò phải ham học, như thế mới đồng bộ phát triển.
Hơn 10 năm theo học nhưng nghệ sĩ không có đất diễn, chạy vạy được nơi làm nghề tại đơn vị nghệ thuật, nhưng chỉ nhận mức lương khởi điểm hơn 2 triệu đồng/tháng. Theo ông, vấn đề "đầu ra" có phải lý do chính của sự thiếu xôm tụ với loại hình nghệ thuật guitar chuyên nghiệp?
- Theo tôi, nghệ sĩ của ngành nghề nào cũng phải tự vận động. Tất nhiên, nghệ sĩ guitar hoạt động khó khăn hơn các nghệ sĩ ở loại hình nghệ thuật phổ biến như piano, organ... Nếu không có tài trợ sẽ không bao giờ nghệ sĩ guitar đủ sức thuê 30 triệu đồng một đêm ở Nhà hát Lớn Hà Nội để biểu diễn hòa tấu. Nhưng nghệ sĩ nào thì cũng phải phấn đấu tìm ra sân chơi hoặc tạo ra các buổi biểu diễn để tham gia. Và muốn nghệ thuật guitar phát triển, không thể chỉ ngồi trông chờ vào cộng đồng, mà đòi hỏi cả sự tự vận động của nghệ sĩ.
Kém xôm tụ
Đã lâu lắm tại Hà Nội mới có sân thi cho những nghệ sĩ guitar chuyên nghiệp. Nhưng xem ra nhìn vào số lượng thí sinh đăng ký dự thi cùng hiệu ứng mà cuộc thi đạt được thì cuộc thi guitar Hà Nội mở rộng vẫn là nốt trầm của loại hình nghệ thuật này?
- Không phải đến tận bây giờ, Hà Nội mới có sân thi cho nghệ sĩ guitar. Thực tế, năm 2002 và 2004, Học viện ÂNQGVN đã tổ chức 2 đại nhạc hội guitar hoành tráng ở Nha Trang và Hà Nội. Tuy nhiên, đại nhạc hội tổ chức dưới dạng một festival, nghĩa là bao gồm đủ các phong cách chơi guitar (cổ điển, flamenco...). Và cũng 8 năm rồi, sân thi cọ sát cho nghệ sĩ guitar mới trở lại, nhưng đây là sân thi của những người theo phong cách guitar cổ điển. Gọi là Hà Nội mở rộng, nhưng thực tế, cuộc thi mới chỉ thu hút được 2 thí sinh đến từ TP. HCM. Và trong 3 bảng thi, bảng B được kỳ vọng nhiều nhất, vì lứa tuổi quy định của bảng thi là 13 - 16, lứa tuổi quan trọng cho việc đào tạo guitar chuyên nghiệp, nhưng bảng thi này cũng chỉ mới thu hút được 4 thí sinh tham dự.
Lần đầu tổ chức nhưng con số tham dự không mấy xôm tụ. Vậy, BTC mong mỏi điều gì từ cuộc thi này?
- Yêu cầu của nội dung thi rất gắt gao, phải đảm bảo độ chuẩn quốc tế. Cuộc thi là cách chúng tôi có thể đánh giá khách quan lĩnh vực đào tạo guitar cổ điển, tìm ra những tài năng trẻ để đào tạo nâng cấp, đồng thời cũng là cơ hội các thầy nhìn nhận trao đổi phương pháp giảng dạy cần thiết cho việc phát triển ngành học trình diễn guitar cổ điển. Số lượng tham dự cuộc thi không được đông như mong đợi, vì BTC lo lắng khâu tài trợ tổ chức chương trình nên thể lệ cuộc thi được phát động trước có 6 tháng, nhiều thí sinh chưa kịp chuẩn bị để tham gia.
Liệu, Học viện có tiếp tục tổ chức những cuộc thi như thế này khi vẫn còn gặp không ít khó khăn?
- Chúng tôi phấn đấu từ nay Cuộc thi guitar Hà Nội mở rộng sẽ tổ chức thường kỳ (2 năm một lần). Sau một vài kỳ sẽ phấn đấu tổ chức cuộc thi guitar quốc tế. Giống như loại hình piano, bắt đầu từ các cuộc thi trong nước, đến nay Việt Nam đã tổ chức được 2 kỳ thi piano quốc tế.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!