KTĐT - Theo đánh giá của Hiệp hội Giày thế giới và Hiệp hội Da giày VN, ngành công nghiệp thời trang da giày của VN vẫn còn tiếp tục có lợi thế phát triển đến khi nào thu nhập bình quân trên đầu người của VN đạt trên 7.000USD/người thì lợi thế này mới dần giảm đi.
Sau “cú sốc đúp” bị Liên minh Châu Âu (EU) tái áp thuế chống bán phá giá và loại mặt hàng giày dép xuất khẩu của Việt Nam khỏi diện được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), ngành công nghiệp da giày VN gặp không ít khó khăn.
Trong bối cảnh đó, phải tìm ra hướng đi để đảm bảo đời sống cho hàng trăm nghìn người lao động. PV đã phỏng vấn Chủ tịch Hiệp hội Da giày VN (Lefaso) - ông Nguyễn Đức Thuấn.
- Thưa ông, sau quyết định của EU tiếp tục áp thuế chống bán phá giá mặt hàng giày mũ da, DN ngành da giày bị ảnh hưởng ra sao?
- Quyết định của EU tiếp tục áp mức thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của VN thêm 15 tháng nữa, cộng với việc EU loại mặt hàng giày dép XK của VN khỏi diện được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đã tạo ra những bất lợi không nhỏ đối với ngành CN da giày VN.
Thị trường Liên minh Châu Âu hiện chiếm tới 50% lượng giày da XK của VN, 3 năm nay bị áp thuế đã khiến giày dép VN vào thị trường Châu Âu bị hạn chế cạnh tranh hơn các quốc gia cũng đang XK giày dép vào thị trường này.
Tuy nhiên, để hạn chế những tác động tiêu cực đến ngành da giày VN, hiệp hội đã có nhiều biện pháp khuyến cáo các DN. Đến nay, nhìn chung, các DN đều đã vượt qua khó khăn, đảm bảo việc làm cho người lao động. Năm 2009, toàn ngành XK gần 4,1 tỉ USD.
- Một trong những lý do EU đưa ra cáo buộc VN bán phá giá da giày vào thị trường EU là do mức lương người lao động thấp, nhiều DN tận dụng lợi thế lao động rẻ ở VN để giảm giá thành sản xuất, ông nghĩ sao về điều này?
- Trong năm qua, thu nhập bình quân của người lao động trong ngành da giày đã tăng từ 10-20% tuỳ từng DN. Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động ngành giày phía nam dao động từ 2,7 triệu đến 8,2 triệu đồng/người/tháng; phía bắc khoảng từ 1,7-2,5 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, không phải là quá thấp so với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.
Theo đánh giá của Hiệp hội Giày thế giới và Hiệp hội Da giày VN, ngành công nghiệp thời trang da giày của VN vẫn còn tiếp tục có lợi thế phát triển đến khi nào thu nhập bình quân trên đầu người của VN đạt trên 7.000USD/người thì lợi thế này mới dần giảm đi. Vì vậy, đến năm 2020, thậm chí đến năm 2025, công nghiệp da giày với lợi thế lao động đặc thù phổ thông vẫn phát triển mạnh và giúp giải quyết tạo việc làm cho phần đông người lao động.
- Ngành da giày VN hiện đứng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, nhưng bị Trung Quốc bỏ rất xa, giá trị gia tăng của ngành da giày rất thấp. Trong thời gian tới, ngành da giày có chiến lược phát triển để cải thiện tình hình không, thưa ông?
- Đúng là trong 5 nước XK thuộc Châu Á, VN mặc dù đứng thứ hai về kim ngạch XK, nhưng Trung Quốc đã chiếm khoảng 50% thị phần, VN và 3 nước là Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh chia nhau 50% thị phần còn lại. Ở các thị trường XK của VN, giày dép VN sản xuất thuộc vào dòng sản phẩm trung bình, giá rẻ. Song khâu yếu nhất của chúng ta là không tự sản xuất được nguyên phụ liệu, 70% số DN VN sản xuất giày theo phương thức gia công thuần tuý. Năm 2010, ngành da giày đề ra kế hoạch tăng trưởng từ 10 – 15%, đảm bảo doanh số XK từ 4,5 – 5 tỉ USD.
Bên cạnh việc tự thân vận động của các DN, hiệp hội chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương cần hoạch định chiến lược đầu tư, hỗ trợ ngành da giày, tương tự như ngành dệt may là hỗ trợ khâu đào tạo để nâng cao năng lực thiết kế; xây dựng thương hiệu của ngành công nghiệp thời trang da giày...
Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều địa phương đều không mặn mà với các trung tâm nguyên liệu da giày đặt tại địa phương, một số nhà đầu tư muốn đầu tư vào nguyên liệu thuộc da, nhưng không bố trí được chỗ để đặt nhà máy. Hiệp hội mong Bộ Công Thương có tiếng nói can thiệp để các địa phương ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành da giày, từ đó giúp tạo giá trị gia tăng cao, tăng tính cạnh tranh.