Hạ chỉ tiêu cho tuyển U23 tại SEA Games 28

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối cùng thì VFF đã thành công trong việc thuyết phục Tổng cục Thể dục Thể thao...

Kinhtedothi - Cuối cùng thì VFF đã thành công trong việc thuyết phục Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) hạ chỉ tiêu cho tuyển U23 tại SEA Games 28. Theo đó, thay vì nhận mục tiêu vào chung kết, U23 chỉ cần lọt qua vòng bảng là thành công ở đấu trường quan trọng nhất trong năm.

Cuối cùng thì VFF đã thành công trong việc thuyết phục Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) hạ chỉ tiêu cho tuyển U23 tại SEA Games 28. Theo đó, thay vì nhận mục tiêu vào chung kết, U23 chỉ cần lọt qua vòng bảng là thành công ở đấu trường quan trọng nhất trong năm.

Ông Miura thực tế

Ban đầu, chỉ tiêu mà VFF phải nhận là U23 phải có mặt ở trận chung kết SEA Games. Đây là mục tiêu khiến những nhà hoạch định chiến lược cho bóng đá Việt Nam phải lên cơn sốt. Đơn giản vì ngay từ năm 2014, họ đã phác thảo một lộ trình hoàn toàn khác cho U23 - đội bóng sẽ được trẻ hóa một cách triệt để nhằm hoàn thành cái đích xa là vô địch SEA Games 2017 và AFF Cup 2018.
Hạ chỉ tiêu cho tuyển U23 tại SEA Games 28 - Ảnh 1
Nếu theo đúng lộ trình mà VFF vạch ra thì SEA Games 28 là cơ hội để thầy trò ông Miura giải mã năng lực bản thân. Họ không bị ép về thành tích và sự thất bại được coi là điều hết sức bình thường của bóng đá.

Thế nhưng, với thể thao Việt Nam, thất bại của bóng đá, đặc biệt là việc đội bóng này không thể lọt qua vòng bảng là một nỗi đau không thể chấp nhận. Thậm chí, ngay cả khi đoàn thể thao Việt Nam giành thứ 3 chung cuộc mà U23 không có huy chương thì kỳ SEA Games đó cũng coi như là thất bại. Cũng vì điều này mà Ủy ban Olympic - nơi phác thảo mục tiêu cho các môn thể thao đã mạnh dạn yêu cầu VFF phải hoàn thành nhiệm vụ đưa U23 có mặt ở trận chung kết SEA Games.

Đương nhiên, VFF và đặc biệt là ông Miura không bao giờ muốn mua dây buộc mình khi tự nhận một chỉ tiêu khó. Bởi, theo phân tích của ông Miura thì ngay cả khi thành công ở vòng loại U23 châu Á thì cũng không đảm bảo rằng, tuyển U23 sẽ bước đến chung kết SEA Games. Hai đấu trường này là hoàn toàn khác nhau bởi những đối thủ mà U23 cần vượt qua vẫn là một ẩn số chưa có lời giải.

Khó trẻ hóa một cách triệt để
Ông Miura cho biết, dù mục tiêu quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam trong năm là SEA Games 28 nhưng Đội tuyển quốc gia vẫn phải được thành lập với thành phần mạnh nhất nhằm chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2018. Đây được coi là sân chơi nhằm thể hiện trình độ và khát vọng của nền bóng đá nên công tác tuyển chọn phải được tiến hành một cách nghiêm túc.
Tính đi tính lại, cuối cùng, VFF và Tổng cục TDTT đã đi đến tiếng nói chung là đặt ra chỉ tiêu vào bán kết tại SEA Games 28. Đây được coi là một mục tiêu thực tế với năng lực của U23 - một đội bóng vẫn còn quá mới mẻ.

Tất nhiên, để hoàn thành mục tiêu này thì VFF cũng phải điều chỉnh về chiến lược trẻ hóa. Họ phải chấp nhận sử dụng những cầu thủ cũ vốn đã thể hiện được năng lực ở đấu trường V.League thay vì trẻ hóa một cách triệt để như trước đây. Nghĩa là đội ngũ cầu thủ trẻ U23 vừa thi đấu ở vòng loại U23 châu Á sẽ phải san sẻ vị trí cho những cầu thủ sinh năm 1992 vốn vẫn còn đủ tuổi dự SEA Games.

Gọi là điều chỉnh chiến thuật nhưng giới chuyên môn cho rằng, khi các cựu binh xuất hiện, sẽ khó có cơ hội để các cầu thủ trẻ vốn thi đấu thành công ở tuyển U19 chiếm được vị trí chính thức. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến chính sách tạo nguồn cho tương lai của U23. Bởi lẽ, khoảng cách về trình độ, bản lĩnh trận mạc giữa các cầu thủ cựu binh và nhóm trẻ tiềm năng là khá xa nhau. Chỉ hy vọng rằng, khi được đàn anh dẫn dắt, các cầu thủ trẻ sẽ có thêm kinh nghiệm và sự tự tin để sau này gánh vác sứ mệnh lịch sử.