Không có cơ sở để cấp giấyTheo Thông tư số 15/2012.TT-BYT, ngày 12/9/2012 quy định về điều kiện chung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm, có ghi: yêu cầu đối với cơ sở; đối với trang thiết bị, dụng cụ; người trực tiếp sản xuất thực phẩm; yêu cầu đối với bảo quản thực phẩm trong sản xuất thực phẩm. Trong đó, Điều 3 của Thông tư này quy định: Yêu cầu đối với người trực tiếp sản xuất thực phẩm là, chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải được tập huấn và được cấp “Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm” theo quy định; Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải được khám sức khoẻ được cấp Giấy xác nhận đủ sức khoẻ theo quy định của Bộ Y tế; Người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải mặc trang phục bảo hộ riêng, đội mũ, đi găng tay chuyên dùng, đeo khẩu trang; Người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải tuân thủ các quy định về thực hành đảm bảo vệ sinh: giữ móng tay ngắn, sạch sẽ và không đeo nhẫn, đồng hồ; Không hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm. Quy định về nhà xưởng, dụng cụ sản xuất thực phẩm, … cũng rất rõ ràng. Tuy nhiên, ngày 12/11/2018, Thông tư này đã bị Nghị định 155 của Chính phủ bãi bỏ mà không có 1 văn bản nào thay thế.
|
Các Thông tư của Bộ Y tế bị bãi bỏ theo Nghị định 155 của Chính phủ . |
Theo báo cáo của quận Hà Đông, 6 tháng qua quận vẫn tuyên truyền vận động cho người sản xuất, chế biến thực phẩm phải đảm bảo ATTP. Những người mới mở cửa hàng, quán ăn theo quy định hiện hành gần nửa năm qua quận không cấp được “Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm”. Một số người mở cửa hàng kinh doanh, chế biến thực phẩm mới vẫn đến quận xin bồi dưỡng và cấp giấy. Trách nhiệm của quận vẫn bồi dưỡng. Để chứng nhận cho họ, Phòng Y tế quận chỉ cấp đã được buồi dưỡng kiến thức ATTP. Giấy này tuy không có trong quy định, nhưng cũng tránh được tình trạng mất công bằng giữa những người được bồi dưỡng và không bồi dưỡng.
|
Những hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phát sinh mới từ cuối năm 2018 đến nay sẽ không có chế tài xử lý, mặc dù phát hiện họ sản xuất, kinh doanh không đảm bảo ATTP. |
Đối với SXKD thực phẩm lĩnh vực công thương, theo quyết định 3407/QĐ-UBND ngày 18/2/2019 UBND thành phố Hà Nội đã bãi bỏ các thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ có đăng ký kinh doanh do UBND quận cấp và thủ tục cam kết đảm bảo ATTP cho các cơ sở SXKD thực phẩm nhỏ lẻ có đăng ký kinh doanh do UBND quận cấp.
Cũng là các cơ sở SXKD thực phẩm nhưng thuộc lĩnh vực nông nghiệp thì quận Hà Đông vẫn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho cơ sở SXKD nhỏ lẻ theo Quyết định 4381/QĐ-UBND ngày 1/9/2015 của UBND TP.
Như vậy, cùng là SXKD thực phẩm, nhưng ở 2 lĩnh vực khác nhau một bên phải cấp giấy và 1 bên là không cấp giấy đã khiến cho việc SXKD mất công bằng về mặt pháp lý.
Thiếu chế tài để xử phạtNhư đã nói ở trên, hiện nay trên địa bàn quận Hà Đông các cơ sở SXKD thực phẩm thuộc linh vực công thương và y tế quản lý đang bỏ ngỏ việc cấp thủ tục pháp lý về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP làm căn cứ để xử phạt khi các tổ chức, cá nhân có vi phạm. Bãi bỏ Thông tư số 15/2012.TT-BYT của Bộ Y tế không chỉ bãi bỏ mỗi việc cấp giấy mà còn bỏ nhiều nội dung quy định về cơ sở vật chất, người chế biến, sản xuất thực phẩm tại các cơ sở nhỏ lẻ …
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình – Trưởng phòng Y tế quận Hà Đông: Chúng tôi không có hướng dẫn để cấp giấy; khi không có giấy chứng nhận, nếu kiểm tra phát hiện cơ sở vi phạm về vệ sinh ATTP cũng không có căn cứ nào để xử phạt. Đây là cái khó trong công tác quản lý nhà nước về ATTP đối với các cơ sở nhỏ lẻ hiện nay.
|
Từ đầu năm đến nay quận Hà Đông đã xử phạt đã hành chính đối với 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm các quy định về ATTP. Trong đó, người chế biến thực phẩm không đội mũ đeo khẩu trang như trong ảnh cũng là lỗi vi phạm. |
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chuyên ngành trên địa bàn quận Hà Đông đã kiểm tra 646 cơ sở SXKD thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Trong đó, đã xử phạt hành chính đối với 40 cơ sở, với số tiền 178 triệu đồng. Các lỗi vi phạm của các cơ sở là: Quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc 1 chiều; không đáp ứng kiến thức về ATTP; không thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định. Khu vực chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh; người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang. Kết quả test nhanh về ATTP với 2.430 mẫu, có 2.380 mẫu đạt yêu cầu, 50 mẫu không đạt.
Theo báo cáo của quận Hà Đông, Nghị định 115 của Chính phủ về xử phạt hành chính lĩnh vực ATTP có hiệu lực từ 20/10/2018 có nhiều thay đổi và cũng không có hướng dẫn, gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử phạt. Khi kiểm tra phát hiện sai phạm nhưng không có chế tài xử lý, hoặc có hành vi, có chế tài theo Nghị định này nhưng chưa có hướng dẫn thực hiện. Do đó, đối với những cở sở chưa có đủ thủ tục pháp lý cũng không có cơ sở để yêu cầu người dân thực hiện.
|
Năm 2018, quận Hà Đông đã xây dựng thành công tuyến phố ATTP có kiểm soát nguồn gốc theo chỉ đạo của TP. |
Năm 2018, quận Hà Đông đã xây dựng thành công tuyến phố kinh doanh ẩm thực ATTP có kiểm soát nguồn gốc theo chỉ đạo của thành phố Hà Nội. Năm 2019, Hà Đông có kế hoạch xây dựng tuyến phố ATTP kiểm soát nguồn gốc của quận. Tuy nhiên, việc thiếu các văn bản pháp lý hướng dẫn người dân thực hiện, nên cũng chưa thể triển khai. Theo đại diện của quận Hà Đông, tất cả các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội hiện đều vướng mắc trong các văn bản pháp lý thiếu, cũng như chưa có hướng dẫn kể trên.
|
Năm 2019, Hà Đông triển khai tuyến phố ATTP có kiểm soát nguồn gốc của quận nhưng thiếu thủ tục pháp lý. |
Trong thời gian vừa qua, khi có đủ các điều kiện trong SXKD thực phẩm, nhưng trên địa bàn Hà Nội vẫn còn xảy ra những đơn vị, cá nhân coi thường pháp luật vi phạm các điều kiện về ATTP, để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Nếu bãi bỏ các quy định cũ, không bổ sung và hướng dẫn các quy định mới đảm bảo phù hợp với điều kiện SXKD thực phẩm trong điều kiện hiện nay, đó là một lỗ hổng trong quản lý nhà nước về ATTP. Không có pháp lý làm căn cơ thì việc sản xuất thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc sẽ tràn lan trên thị trường, thiếu kiểm soát, gây hại cho sức khoẻ người dân, tổn hại đến nền kinh tế.