Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Đông: Nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ Quốc và các tổ chức đoàn thể quận Hà Đông đã tập trung nguồn lực, giải pháp thiết thực trong việc hỗ trợ người dân giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân

Hỗ trợ việc làm
Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo đã cố gắng tự học nghề, tự tìm tòi học tập kinh nghiệm trong sản xuất, tự tạo việc làm để vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, nhiều hộ nghèo vẫn trong tình trạng “cái khó, bó cái khôn”, thiếu vốn, hoặc thiếu kiến thức về lao động việc làm.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa ở tổ dân phố số 2 phường Phú Lãm thuộc diện hộ nghèo có chồng bị bệnh, bản thân chị làm nghề may, con trai lớn không có việc làm.
Bà Nguyễn Thị Thịnh, Phó chủ tịch UBND phường chia sẻ: Chính quyền và các ngành đoàn thể của Phú Lãm đã hỗ trợ tạo điều kiện cho con bà Hoa tham gia học nghề sửa chữa xe máy, hàn xì. Đồng thời giới thiệu việc làm tại doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay, con trai bà Hoa đã có thu nhập ổn định với 4,5 triệu đồng/tháng. Năm 2017, gia đình bà Hoa còn được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, đến nay kinh tế gia đình chị đã tạm ổn, vươn lên thoát nghèo.
 Hội nghị huy động vốn xã hội hóa cho người nghèo ở Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội.

Để đạt được mục tiêu giảm nghèo, quận Hà Đông đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, đề cao vai trò nòng cốt của các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong việc xây dựng mô hình hội viên làm ăn khá, giỏi tham gia giúp đỡ các hội viên nghèo. Quận cũng chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường đào tạo nghề cho lao động, phù hợp với cơ cấu ngành nghề lao động tại địa phương, cũng như lựa chọn những ngành nghề phù hợp với khả năng của lao động, tạo thêm việc làm mới, nâng cao thu nhập, đặc biệt là hộ nghèo. Bà Nguyễn Thị Thịnh phó chủ tịch ủy ban nhân dân phường Phú Lãm quận Hà Đông chia sẻ:
Phường Phú Lãm năm 2017 còn 7 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo. Phường xác định công tác giảm nghèo là hỗ trợ việc làm và đưa ra kế hoạch dài hạn từ 1 – 5 năm đễ hỗ trợ tích cực cho hộ nghèo thoát nghèo. Trường hợp của gia đình bà Hoa là hiệu quả từ cách làm này.
Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Trưởng phòng LĐTB&XH quận Hà Đông: Quận tập trung các giải pháp để giảm nghèo như hỗ trợ cho vay vốn ư đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, bố trí xây sửa nhà. Trong đó, Hội LHPN chịu trách nhiệm rà soát các hộ nghèo thiếu vốn để hàng năm giới thiệu cho vay vốn ưu đãi và quay vòng liên tục cho đến khi hết nghèo.
Đoàn TN có trách nhiệm rà soát các đối tượng không thể theo học đại học thì giới thiệu và hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trong các DN.
 Các nhà hảo tâm ủng hộ chương trình giảm nghèo của Hà Đông.

Đến nay, quận Hà Đông đã giới thiệu cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn của Ngân hàng CSXH được 39 tỷ đồng để giải quyết việc làm, học tập, đào tạo nghề trong chương trình giảm nghèo.
Chỉ tính riêng ĐVTN đã vay vốn Ngân hàng CSXH quận với dư nợ là trên 29 tỷ đồng, tăng 4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Từ nguồn vốn vay ủy thác đã có 787 hộ gia đình đoàn viên được vay vốn để phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho bản thân và cho gia đình. Trong đó có 409 hộ vay vốn theo kênh giải quyết việc làm, 378 hộ vay theo chương trình cho vay hộ nghèo, hộ mới thoái nghèo, hộ cận nghèo và học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay để đảm bảo học tập và lập nghiệp.
Xã hội hóa cải tạo nhà ở
Hộ nghèo thì nhà ở và các công trình dành cho sinh hoạt gia đình cũng gặp nhiều khó khăn. Do vậy, thời gian qua quận Hà Đông cũng đẩy mạnh việc huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây mới và cải tạo, giúp các hộ xóa nghèo nhanh và bền vững.
 Ông Nguyễn Sỹ Doanh, thương binh 3/4 được ủng hộ xây nhà theo chương trình hộ nghèo.

Bà Nguyễn Thị Tịnh ở tổ dân phố số 4 phường Phú Lương có con bị bệnh tâm thần, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cùng sự chung tay góp sức của anh em họ hàng, bà con chòm xóm, phường Phú Lương đã huy động nguồn xã hội hóa 180 triệu đồng, gia đình bà đã có ngôi nhà khang trang, không còn cảnh tù túng như trước đây.
Ông Tiến chó biết thêm, để giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững trên địa bàn, ngoài giúp cho các hộ có việc làm, quận đồng thời vận động các công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí xây sửa nhà nho hộ nghèo, giúp họ yên tâm lao động sản xuất.
Trước đây, hoạt động xã hội hóa giao cho các địa phương, đoàn thể huy động. Riêng năm 2018 quận Hà Đông đã giao cho UBMT Tổ quốc để phân bổ và xây dựng kế hoạch huy động xã hội hóa. Trong năm quận đã huy động được trên 500 triệu đồng. Trong số này này đã xây mới được 10 căn nhà cho hộ nghèo. Có phường đã huy động được trên 100 triệu đồng.
Năm 2018 toàn quận giảm được 248 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn quận giảm còn 0,025%, quận đã hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo đến cuối nhiệm kỳ. Tuy nhiên để thực hiện chính sách giảm nghèo một cách bền vững, quận Hà Đông đề nghị Thành phố và trung ương xem xét nên bóc tách hộ hết tuổi lao động, hộ mắc bệnh hiểm nghèo đưa vào diện đối tượng được bảo trợ xã hội, để các địa phương thực hiện chính sách giảm nghèo một cách bền vững và hiệu quả.