Ông Nguyễn Văn Dự, Trưởng Ban tổ chức cho biết: Tuần văn hóa Du lịch thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023 (Tuần văn hóa) được triển khai từ ngày 26/10 - 5/11/2023. Tuần văn hóa nhằm thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chương trình 05-CTr/QU của Quận ủy Hà Đông về “Bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống, di tích lịch sử - văn hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội phường Vạn Phúc, giai đoạn 2020-2025”.
Qua đây, quận Hà Đông và phường Vạn Phúc đẩy mạnh công tác quảng bá Nghề dệt lụa truyền thống của phường Vạn Phúc; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại - du lịch, du lịch trải nghiệm và các ngành nghề đa dạng khác của địa phương, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và con người Hà Đông, Hà Nội. Đây là dịp Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập phường Vạn Phúc (30/10/2003-30/10/2023).
Các nội dung được triển khai trong Tuần văn hóa gồm có 3 phần là phần Lễ, phần Hội và phần Thương mại. Phần Lễ, các nghệ nhân và Nhân dân trong làng nghề sẽ tổ chức rước tôn vinh Tổ nghề lụa. Phần Hội sẽ bao gồm nhiều hoạt động văn hóa, như: Tổ chức các trò chơi dân gian, trình diễn áo dài nhí, văn nghệ quần chúng với các bài hát văn, hầu đồng, ca trù, quan họ, chèo; Hội thi vẽ tranh; Hội chợ quê.
Điểm nhấn quan trọng của phần Hội là chương trình Duyên dáng lụa Hà Đông. Làng Vạn Phúc đón nhận làng Nghề dệt lụa Vạn Phúc là Di sản phi vận thể quốc gia; đón nhận Bằng công nhận sắc phong di tích đặc biệt; Bằng công nhận điểm đến Du lịch Thủ đô năm 2023; nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND TP Hà Nội trao tặng trong 20 năm năm thực hiện phong trào thi đua.
Phần Thương mại, quảng bá làng nghề với chủ đề “Vạn Phúc phố nghề” sẽ được triển khai với các điểm nhấn là các hoạt động xúc tiến, quảng bá làng nghề kéo dài trong 1 tuần. Điểm nhấn là cuộc thi sản phẩm mẫu mã lụa Vạn Phúc làng nghề tiêu biểu năm 2023 và trao giải cho những sản phẩm xuất sắc; trình diễn áo dài Chương trình “Duyên dáng Lụa Hà Đông”; Tổ chức hội chợ thương mại trên khu vực bên cạnh đường Tố Hữu; Tổ chức múa rối nước của các nghệ nhân rối nước Đào Thục; thao diễn tại phố nghề như ghép tranh lụa, tái hiện một số công đoạn sản xuất của làng nghề.
Hoạt động trưng bày các sản phẩm lụa Vạn Phúc xưa và nay, thúc đẩy xúc tiến thương mại, tạo việc làm cho Nhân dân. Thông qua đây giúp cho Nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội và du khách thập phương biết đến Vạn Phúc với các hoạt động trong Tuần văn hóa.
Được biết, từ năm 2020 đến nay, các nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề đã sáng tạo được 67 sản phẩm sáng tạo. Qua cuộc thi lần này, Ban tổ chức sẽ tổ chức các cuộc thi mới để tôn vinh nghệ nhân thợ giỏi. Tham gia vào hoạt động xúc tiến thương mại tại Tuần văn hóa có khá nhiều làng nghề nổi tiếng trên địa bàn Thủ đô như Mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), làng nghề Mộc Thượng Mạo, Rèn Đa Sỹ (Hà Đông), Thêu ren (Thường Tín)…
Năm 2022-2023, làng nghề Lụa Vạn Phúc đã kết nối được 2 tour du lịch mới. Khách du lịch đến với Vạn Phúc tăng mạnh so với năm 2022. Khách đến ngoài tham quan làng nghề còn tham quan di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan dệt lụa, ghép tranh từ vải lụa của HTX Vụn ART. Vạn Phúc được công nhận là điểm đến Du lịch của Thủ đô Hà Nội muộn là do chưa có quy hoạch tổng thể làng nghề.
Hiện nay đang triển khai và quý 4/2023 sẽ hoàn thiện quy hoạch 1/500. Nhờ bước đầu có quy hoạch này, làng nghề Vạn Phúc mới được công nhận là điểm đến Du lịch của Hà Nội năm 2023. Sau Tuần lễ này, quận Hà Đông và phường Vạn Phúc sẽ triển khai các phân khúc theo quy hoạch liên quan đến công tác bảo tồn và phát triển làng nghề. Đề án 06 của Quận ủy Hà Đông đã xây dựng Kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề đến 2025.