Hà Đông: Những người phụ nữ đơn thân đam mê làm từ thiện

Bài và ảnh Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, nhưng chị Đỗ Nguyễn Trang Thư đã chọn Hà Nội để làm việc và sinh sống. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều người lâm vào khốn khó. Chị đã kết nối mọi người trong cộng đồng để nấu những món ăn, hoặc gửi đến họ những phần quà nhỏ từ tấm lòng chân tình, sự yêu thương.

Giúp đỡ bằng tấm chân tình
Là người mẹ đơn thân của 3 đứa con, chị Đỗ Nguyễn Trang Thư thuê nhà trọ tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội. Chị làm nghề kinh doanh dược phẩm. Dịch bệnh Covid-19 ập đến, chị Thư phải ngừng công việc kinh doanh của mình. Ngồi ở nhà nghe đài, đọc báo chị thấy rất nhiều người gặp khó khăn khi phải thực hiện giãn cách xã hội.
 Hàng ngày chị Thư quét trên Zalo tìm kiếm các hoàn cảnh cần hỗ trợ quanh khu vực để nấu cơm, hoặc tặng quà.

Chị Thư chia sẻ: “Trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19, tôi thấy mình còn khỏe, trẻ nên muốn giúp đỡ mọi người vượt qua khó khăn này. Giúp được ai cái gì thì sẽ làm hết mình, như nấu ăn cho các anh trong đội lái xe chở người nhiễm Covid-19 và F1 đi cách ly. Nhiều anh có ngày quay 8 - 9 chuyến xe, không được nghỉ ngơi, nếu chỉ ăn mỳ tôm thì không đảm bảo sức khỏe. Tôi nghĩ mình nấu cơm chỉ là góp sức nhỏ bé cho những người đang chống dịch Covid-19”.
Chị Thư bắt đầu công việc thiện nguyện kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Hà Nội. Lúc đầu chỉ là nấu cơm cho những lái xe của Trung tâm vận chuyển người bệnh 911. Nhưng khi thời gian cách xã hội kéo dài, chị thấy trên trang Zalo có nhóm “giúp người khó khăn quanh bạn”, hàng ngày chị đã quét Zalo, tìm những người gặp khó khăn cần giúp đỡ quanh khu vực để hỗ trợ.
 Bếp ăn thiện nguyện của 3 phụ nữ đơn thân.

Vào mỗi buổi sáng, chị tổng hợp những trường hợp cần được nấu cơm hỗ trợ, để lên thực đơn, đi chợ và vào bếp. Ngoài nấu cơm cố định cho Trung tâm 911, các chị lao công, người gặp khó khăn do dịch bệnh ở quanh khu vực cũng đều được tặng những suất cơm, mong họ ấm lòng để hoàn thành công việc, vượt qua khó khăn của dịch bệnh.
“Hằng ngày anh em trong Trung tâm 911 vận chuyển những người mắc bệnh Covid-19 và F1 nên đi lại, giờ giấc không cố định. Đặc biệt, nhiều hôm về muộn không có cơm ăn. Khi nhóm của chị Thư nấu cơm phần, đây là tấm lòng của các chị, em chúng tôi thấy rất ấm lòng. Vui vì có các chị ở phía sau hỗ trợ anh em tham gia chống dịch. Các bữa ăn đều được thay đổi khẩu vị nên anh em ăn thấy ngon”, anh Nguyễn Văn Tấn - Trung tâm vận chuyển người bệnh 911 chia sẻ.
Đi bất kỳ đâu nếu ở đó cần
Nhóm thiện nguyện của chị Thư gồm có 3 người. 2 phụ nữ còn lại cũng đều là bà mẹ đơn thân gồm chị Đặng Thị Kiều Trinh và Huỳnh Thị Thanh Thảo. Cả 2 cùng là người Đà Nẵng. Các chị vừa ra đến Hà Nội được vài ngày thì Thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Nghe lời rủ của chị Thư, đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, các chị đã làm công tác thiện nguyện.
 Chị Thảo trao cơm cho nhóm khử khuẩn của Trung tâm vận chuyển người bệnh 911.

Chị Thảo chia sẻ: ''Chúng tôi cùng làm công việc với nhau, hoàn cảnh đều khó khăn, để lại 2 con cho bố mẹ nuôi ra Hà Nội làm việc. Khi tham gia làm thiện nguyện mình không có gì ngoài tình cảm dành cho các hoàn cảnh khó khăn. Tôi thấy nhiều người khó khăn hơn mình, mình giúp được gì cho họ thì làm thôi. Nghe chị Thư nói có người cần hỗ trợ ở chỗ này, chỗ kia nên chị em cùng nhau huy động sự ủng hộ của cộng đồng. Hàng ngày, tuy có tổng hợp số lượng suất ăn từ sáng, nhưng chúng tôi luôn nấu dư ra. Khi mình đem cơm đi trên đường, nếu có người cần hỗ trợ thì gửi suất cơm đó cho người ta luôn và quay về làm suất khác. Những hộp cơm này không đáng là bao, nhưng người ta rất trân trọng. Chúng tôi thấy vui mình mình giúp được họ''.
“Chúng tôi đồng cảm với những người xa quê, khó khăn vì không có việc làm ở lại Hà Nội do giãn cách xã hội. Lúc đầu tôi cũng gọi điện về Đà Nẵng nói với bố mẹ là đi làm thiện nguyện. Bố mẹ lo lắng và không muốn cho đi, nhưng tôi thấy các chị ở đây làm được thì mình cũng làm được. Khi bố mẹ em biết mình tham gia nhóm này, giúp được nhiều người sau đó không còn la mắng nữa và động viên cố gắng làm cho tốt và giữ gìn sức khỏe”, chị Trinh nói.
 Mỗi suất cơm trao đi, các chị mong những người làm nhiệm vụ hoàn thành tốt công tác, nhanh đẩy lùi dịch bệnh.

Không chỉ có nấu cơm cho những người có hoàn cảnh quanh khu vực Hà Đông mà các chị còn huy động nhu yếu phẩm như mỳ tôm, gạo, trứng, dầu ăn, nước mắm, đường … tặng cho một số hoàn cảnh khó khăn ở quận, huyện, hoặc tỉnh/thành phố khác. Bằng hình thức kêu gọi từ cộng đồng, ngày 26/8 vừa qua, nhóm các chị đã đến thăm và tặng quà cho bà Nguyễn Thị Đạo - một bà mẹ đơn thân nuôi 2 cháu bị tật nguyền và con gái bị thần kinh tại huyện Mê Linh, Hà Nội.
“Tới đây, Hà Nội hết giãn cách xã hội chúng tôi sẽ vào Đồng Nai nấu cơm hỗ trợ đội xe vận chuyển người mắc Covid-19, và kêu gọi hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn trong đó. Chúng tôi đã liên hệ vào trong đó, có thể đầu tháng 9 tới nhóm sẽ di chuyển. Năm nay con út nhà tôi vào học lớp 1, nhưng tôi gửi lại cả 3 đứa, nhờ bố mẹ trông giúp để đi làm thiện nguyện. Bố mẹ thấy con gái mải mê làm thiện nguyện nên bỏ nhà cửa ở quê lên đây trông cháu. Tôi nghĩ ở đâu có nhiều người khó khăn mình sẽ đến đó. Đi bất kỳ đâu miễn là cộng đồng đang cần sự giúp đỡ, sẻ chia”, chị Thư cho biết thêm.
Mỗi ngày hàng chục suất ăn trao đi, các chị chỉ mong những người đang làm nhiệm vụ được ấm lòng, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với tâm lòng đồng cảm, các chị mong sẻ chia khó khăn cùng những hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh, ước một ngày dịch bệnh qua mau, cuộc sống bình yên trở lại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần