Nguyên nhân bị bạo lực, xâm hại và thương tích
Theo Tiến sỹ Nguyễn Duy Nhiên - Trưởng khoa Triết, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện An sinh xã hội và Phát triển cộng đồng, cố vấn cấp cao giáo dục kỹ năng sống cho biết:
"Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các em bị bạo lực, xâm hại và thương tích. Cụ thể, mùa Hè các em ở nhà không có việc gì làm thường xem ti vi, mang đồ đạc trong nhà ra chơi bị bố mẹ, ông bà quát mắng, thậm chí đánh đòn.
Hoặc cha mẹ, thường hay ví 'con mình với con người ta', khiến trẻ em vô tình bị bạo lực về tinh thần. Các em ở lứa tuổi còn nhỏ chưa có kỹ năng phòng vệ, khi đi vào thang máy hay ở ngoài đường thường hay bị bắt nạt, xâm hại thân thể nhất là các trẻ em gái; hoặc thiếu kỹ năng đi đường dễ bị tai nạn giao thông; chơi thể thao bị trầy xước, có khi gãy chân, tay...”.
Hội Phụ nữ phường Phú La là cơ quan thường xuyên phối hợp với các đơn vị, địa phương để tuyên truyền cho các gia đình, hội viên Hội phụ nữ về cách chăm sóc trẻ em. Thực tế, đã có trường hợp các em bị tổn thương mà cha mẹ không hay biết, thậm chí có em đã tìm đến cái chết để giải thoát bản thân.
“Trong đợt giãn cách do dịch bệnh vừa qua, các em ở nhà học online, bố mẹ vẫn phải đi làm. Một số em có ý thức thì không sao, nhưng một số em ham chơi, lạm dụng sử dụng máy tính nên chểnh mảng học hành. Khi bố mẹ về nhà lại ít tiếp xúc, nói chuyện với bố mẹ. Khi bố mẹ hỏi lại có những biểu hiện cáu và tức giận. Việc người lớn không hài lòng dễ xảy ra hành động mắng, đánh... Cũng có những trường hợp, các em ít giao tiếp, nên khi gặp khó khăn như không làm được bài tập bị thầy cô phê bình; hoặt tâm lý thay đổi ở tuổi mới lớn không biết chia sẻ cùng ai cũng dẫn đến hành động thiếu suy nghĩ ở các em. Nhẹ thì gây tổn thương về tinh thần, nặng thì tổn thương đến thân thể”. - Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hương Sen, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Phú La, quận Hà Đông.
Ngoài những nguyên nhân chủ quan, còn có một số nguyên nhân khách quan khiến trẻ bị bạo hành, xâm hại, tai nạn như bị bỏng nước, bỏng bột, đứt tay do cha mẹ, ông bà vô tình để các đồ vật nóng, dễ gây thương tích ở gần tầm tay của trẻ.
Nắm bắt tâm tư của trẻ em để có cách hành xử đúng
Trong thời gian vừa qua, UBND quận Hà Đông, các phòng ban chuyên môn và đoàn thể trên địa bàn quận Hà Đông đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích ở trẻ em.
Bà Lại Hà Phương, Chủ tịch Hội LHPN quận Hà Đông, cho biết: “Trong những ngày gần đây, Hội đã tổ chức tuyên truyền ở 6 trường học, với trên 1000 học sinh tham gia nghe chuyên gia nói về những nguyên nhân gây tai nạn, thương tích và bị xâm hại ở trẻ em, cũng như cách phòng tránh. Trong đó, có 3 trường THPT là Quang Trung, Lê Quý Đôn, Trần Hưng Đạo; 3 trường THCS là Phú La, Phú Lãm và Lê Quý Đôn.
Qua tuyên truyền, chúng tôi mong muốn các em thổ lộ được tâm tư của mình, những khúc mắc với thầy cô, bạn bè, gia đình. Trên cơ sở đó, chuyên gia sẽ tư vấn cho các em về tâm lý của tuổi mới lớn, cách phòng chống bị xâm hại, bạo lực và tai nạn”.
Chủ tịch Hội LHPN phường Hà Cầu Nguyễn Thị Thu Trang, quận Hà Đông, cho biết: “Chúng tôi tuyên truyền đối với các bà mẹ có con dưới 18 tuổi, nhất là các gia đình có trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các phụ huynh, con em họ. Từ đó, Hội phối hợp với các đơn vị, địa phương tuyên truyền, tư vấn cho các bậc phụ huynh, em học sinh, nhà trường về những chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em".
Thông qua đó, để các gia đình, nhà trường nắm bắt được tâm tư của trẻ để hỗ trợ các em ngoài học tập còn chơi vui lành mạnh, tránh tâm lý không ổn định, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, gây thương tích đối với trẻ em”.
Ở góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước về việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đối với cấp phường cũng đã triển khai những giải pháp tập trung trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại và thương tích. Bà Nguyễn Phương Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Phú La, cho biết:
“Vừa qua trên địa bàn phường, quận cũng có những sự việc đáng tiếc liên quan đến việc sức khoẻ của trẻ em. Do đó, phường đã tập trung quan tâm hơn đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Phường đã chỉ đạo các nhà trường, cơ quan đoàn thể, tổ dân phố quan tâm giáo dục tâm lý cho trẻ em, mời các chuyên gia đến nhà trường nói chuyện về tâm lý tuổi học đường.
Khuyến cáo các gia đình, tổ dân phố, đoàn thể quan tâm đến các em nhiều hơn nhất là dịp nghỉ hè, các sân chơi cho học sinh rất ít, trong khi đó các bố mẹ mải đi làm thiếu qua tâm đến con trẻ dễ dẫn đến tai nạn thương tích.
Trong dịp nghỉ hè, các em học sinh được sử dụng điện thoại dễ tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, khi chúng ta không định hướng được thông tin nào các con cần tìm hiểu thì rất nguy hiểm. Cha mẹ phải gần gũi các con, từ đó nắm được tâm tư của các bạn, hạn chế sử dụng các biện pháp tiêu cực, dễ dẫn đến những vụ việc đáng tiếc xâm hại đến trẻ em”.