Hạ Long sẽ trở thành thành phố có diện tích lớn nhất cả nước

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (26/10) kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất phương án sắp xếp nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích và dân số của huyện Hoành Bồ với thành phố Hạ Long.

Đây là một bước tiếp theo để triển khai thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của thành phố Hạ Long và huyện Hoành Bồ. Việc sáp nhập này là nội dung quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong quá trình phát triển thành phố Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh. Sau khi hoàn thành sẽ tạo ra một vùng động lực mới, không gian phát triển mạnh cho thành phố Hạ Long đem lại lợi ích, hiệu quả thiết thực, đảm bảo lợi ích của người dân, các dân tộc. Hình thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, về số đơn vị hành chính trực thuộc và sự đa dạng độc đáo “có một, không hai” về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch, sẽ là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Văn hóa truyền thống sẽ được bảo tồn phát huy trở thành sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ khách du lịch đến với Hạ Long; mở ra không gian phát triển mới, động lực mới với tầm nhìn chiến lược dài hạn trong một đơn vị hành chính thống nhất, nhân lên sức mạnh về tiềm năng và lợi thế, tối ưu hóa công tác quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn lực, nhất là về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa, là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, kết nối hình thành đô thị dịch vụ du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với bảo tồn phát triển di sản vịnh Hạ Long theo hướng bền vững, đa dạng hóa dịch vụ, du lịch, sinh thái, văn hóa... đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu qủa quản lý nhà nước, tinh giản số đầu mối, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18 và 19 của  Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long được cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân hai địa phương nói riêng, toàn tỉnh nói chung ủng hộ, đồng thuận cao, qua đó tiếp tục củng cố niềm tin, lan tỏa phấn khởi, tạo động lực cho thời kỳ mới - thời kỳ tiếp tục xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh hiện đại, bền vững.
 thành phố Hạ Long nhìn từ trên cao
Thành phố Hạ Long sau khi mở rộng địa giới hành chính và không gian phát triển kinh tế “một tâm – hai tuyến – đa chiều” “hai mũi đột phá”.  Để làm được điều này tỉnh Quảng Ninh cần ưu tiên vốn để triển khai các dự án tạo sự kết nối đồng bộ về hạ tầng, không gian phát triển của Hạ Long với huyện Hoành Bồ, vịnh Hạ Long, vịnh Cửa Lục, vịnh Bái Tử Long gồm các dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả; cầu Cửa Lục 1 và 3; đường nối Quốc lộ 18 từ KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn; đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều trong đó có đoạn từ đường tỉnh 338 kết nối với cao tốc Hạ Long – Hải Phòng theo hai hướng đến nút giao Hạ Long Xanh qua KCN Amata đến nút giao Đầm Nhà Mạc.
Theo đó việc mở rộng địa giới hành chính của TP Hạ Long sang huyện Hoành Bồ được các chuyên gia kinh tế nhận định sẽ là một dư địa phát triển đột phá của tỉnh trong thời gian tới. Hạ Long là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa thương mại lớn của Quảng Ninh. Có lợi thế là vịnh Hạ Long được UNESCO nhiều lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Bắc Bộ, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong quan hệ thương mại và đảm bảo quốc phòng an ninh; có điều kiện thuận lợi để phát triển thành một trung tâm du lịch, đầu mối về công nghiệp, thương mại và giao thông dọc hành lang kinh tế ASEAN – Việt Nam và Trung Quốc.

Để tạo nền tảng cho TP Hạ Long trong tầm phát triển mới việc tập trung nguồn lực để thực hiện các công trình hạ tầng động lực là rất cần thiết. Người dân, DN cần ủng hộ cho các dự án để mở rộng không gian đô thị. Quảng Ninh đang tạo môi trường đầu tư, thu hút các dự án hạ tầng tạo động lực để một loạt các dự án sẽ thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.
Quảng Ninh cần triển khai ưu tiên các công trình hạ tầng giao thông làm trọng điểm, đảm bảo tính đồng bộ để tạo động lực cho phát triển đưa Hạ Long trở thành thành phố có diện tích lớn nhất cả nước./.
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần